Theo báo cáo mới nhất từ Deloitte, gần 50% gen Z tham gia khảo sát sống trong cảnh tháng nào tiêu hết tiền tháng đó và chỉ khoảng 25% thoải mái chi trả các chi tiêu hàng tháng. Điều này cho thấy những báo động trong việc chi tiêu không kiểm soát của giới trẻ và và đặt ra bài toán về quản lý dòng tiền cá nhân. Dưới đây là một số những quy tắc có thể áp dụng để gen Z quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
1. Gen Z và bài toán quản lý tài chính cá nhân nan giải
Cùng với sự chuyển động của nền kinh tế, thói quen tiêu dùng của thế hệ gen Z cũng có sự chuyển biến so với các thế hệ trước. Từ “ăn chắc mặc bền” chuyển sang “Ăn ngon mặc đẹp” hay “YOLO – You only live once” dù là quan điểm nào thì nhu cầu chi tiêu của gen Z cũng trở nên đa dạng hơn rất nhiều.
Nhiều bạn trẻ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính cá nhân do không lập kế hoạch chi tiêu cụ thể. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến hậu quả khôn lường, khiến cho không cân đối được khoản chi tiêu cố định và các khoản thay đổi, không kiểm soát được dòng tiền cá nhân. Cùng với những quyết định mua ngắn hạn, bồng bột để thỏa mãn nhu cầu trước mắt sẽ dẫn đến tình trạng tiêu quá lố, vượt quá khả năng chi trả,… Do đó mà tình trạng chưa hết tháng đã tiêu hết tiền diễn ra rất phổ biến trong giới trẻ, vô hình tạo nên áp lực cho chính cá nhân và gia đình.
Nhưng không thể hoàn toàn đổ trách nhiệm cho sự chi tiêu thiếu kỷ luật của gen Z, mà chính các chương trình marketing từ các nhãn hàng đã thúc đẩy một phần không nhỏ lối mua sắm không kiểm soát của người tiêu dùng. Gen Z là tập khách hàng tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới. Có tư tưởng cởi mở, thích khám phá cái mới và đặc biệt đây là giai đoạn thế hệ này đang có những công việc đầu tiên, khoản thu nhập đầu tiên, các kế hoạch quản lý tài chính cá nhân chưa hoàn thiện, chưa mang nhiều trách nhiệm tài chính với người khác, vậy nên dễ dàng chi tiêu thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn của cá nhân, sẵn sàng sử dụng thử sản phẩm mới. Với những đặc điểm này, các nhãn hàng luôn nỗ lực tiếp cận và chào hàng với tập khách hàng này bằng nhiều phương pháp.
Một hiểm họa khác khi không có kỹ năng quản lý tài chính là khi túng thiếu, khó khăn dễ rơi vào cạm bẫy của những chiêu trò “kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng”. Hiện nay, có rất nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi đánh vào tâm lý đang cần tiền của nạn nhân, khiến họ tin tưởng đầu tư vào các dự án ảo hoặc ứng một khoản tiền trước, thậm chí là vay mượn để đưa tiền cho kẻ xấu. Khi phát hiện ra bị lừa thì những kẻ xấu đã mất liên lạc, cao chạy xa bay. Những trường hợp này không hề ít khiến cho người bị hại không chỉ trắng tay mà còn mang khoản nợ khổng lồ.
2. Các nguyên tắc giúp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
2.1. Rà soát các khoản chi tiêu
Luôn rà soát, thống kê các khoản chi tiêu theo ngày, tháng, năm để biết được mình đã chi tiêu những gì. Phân loại các khoản chi quan trọng như tiền nhà, tiền học, tiền điện,…. và các khoản chi ít quan trọng (có thể cắt giảm) như tiền mua sắm quần áo, tiền uống cafe,…
Từ đó, ta có thể biết mình đang dành quá nhiều tiền cho khoản nào và điều chỉnh cho hợp lý. Ví dụ như sử dụng tiết kiệm điện hơn hay mua ít, thậm chí cắt giảm khoản mua quần áo.
Nên có sổ chi tiêu hoặc thực hiện thống kê trên excel hoặc các ứng dụng quản lý chi tiêu thông minh để dễ dàng kiểm soát.
2.2. Thiết lập mục tiêu và lộ trình tài chính
Kế hoạch chi tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch khác của bạn. Vì vậy, luôn cần đặt mục tiêu và lộ trình tài chính để kiểm soát dòng tiền cũng như giúp thực hiện các mục tiêu khác.
Ví dụ, bạn có kế hoạch đi du lịch vào mùa hè, hãy ước tính chi phí và dành ra một khoản tiết kiệm cho chuyến đi từ những tháng trước đó.
2.3. Tiết kiệm 10-15% thu nhập hàng tháng
Nên dành ra 10-15% lương hàng tháng cho việc tiết kiệm đối với người mới bắt đầu. Khi đã dần hình thành mức chi tiêu ổn định hoặc thu nhập tăng lên, có thể tăng mức tiết kiệm lên 20%, 30%,… tùy theo nhu cầu và mục tiêu.
Tránh để tỷ lệ tiết kiệm quá cao ngay từ đầu sẽ dễ tạo cảm giác chán nản.
2.4. Không nên chi hơn 10% lương cho một khoản chi tiêu
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng không nên chi quá 10% lương tháng cho một lần tiêu dùng. Ví dụ, một tháng bạn kiếm được 10 triệu đồng thì không nên mua giày trị giá lớn hơn 1 triệu.
Sự nuông chiều bản thân này sẽ khiến, ngân sách cho những khoản chi tiêu khác co hẹp lại và dễ dẫn đến tình trạng hết tiền giữa tháng.
Thay vào đó, nên dành khoản tiền này để tiết kiệm hoặc tích góp để mua những sản phẩm mang lại lợi ích lâu dài hơn như xe, máy tính,…
Ngoài ra, bạn có thể để ra vài trăm ngàn đồng mỗi tháng để vẫn mua được chiếc túi yêu thích và vẫn giữ được “kỷ luật” bản thân.
2.5. Cố thoát khỏi vòng xoáy nợ nần
Nhiều bạn trẻ gen Z có thói quen tiêu tiền không kiểm soát dẫn đến hết tiền khi mới giữa tháng. Để duy trì “cho qua ngày” phần tháng còn lại mà đi vay mượn. Nhưng nếu không điều chỉnh thói quen chi tiêu thì rất dễ tái diễn tình trạng ở tháng tiếp theo. Điều này gây ra “vòng xoáy” nợ cũ chưa trả hết và đã vay thêm nợ mới.
Các bạn trẻ nên thắt chặt chi tiêu, tránh mua các đồ dùng không cần thiết, cố gắng thanh toán hết nợ cũ và tránh rơi vào tình trạng phải đi vay mượn.
2.6. Gia tăng các nguồn thu nhập
Để nâng cao sự tự do tài chính, các bạn trẻ nên tạo thêm các nguồn thu nhập cho mình ngoài công việc trong giờ hành chính.
Thực tế là ngày nay, các bạn trẻ gen Z đã có nhận thức sớm về đầu tư tài chính. Việc đầu tư chứng khoán, tham gia vào các quỹ đầu tư và các hình thức kiếm tiền thụ động khác không còn là việc xa lạ với các bạn trẻ ngày nay.
Bên cạnh đó, thị trường việc làm ngày càng rộng mở cho những bạn làm việc tự do (freelancer). Điều này giúp các bạn có cơ hội có thêm thu nhập ngoài giờ từ những việc như thiết kế, sáng tạo nội dung, quản lý fanpage,… Một số trang web lớn dành cho các bạn muốn tìm thêm các công việc tự do như Upwork, Toptal, Freelancerviet, VLance,…
3. Các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
3.1. Phương pháp 50-30-20
Đây là phương pháp khá phổ biến và dễ áp dụng. Theo đó, thu nhập của bạn sẽ được phân chia thành 3 phần chính:
- 50% dành cho chi tiêu thiết yếu: như tiền nhà, tiền học, tiền ăn,… (có thể xác định được dựa vào chi tiêu các tháng trước đó).
- 30% dành cho các phi phí linh hoạt như giải trí, mua sắm, hiếu hỉ,… các khoản bạn có thể cắt giảm khi không cần thiết.
- 20% còn lại dành cho việc trả nợ và tích lũy.
Phương pháp chi tiêu này khá đơn giản và dễ làm theo, tuy nhiên cần đòi hỏi kỷ luật cá nhân cao để thực hiện một cách chính xác, hiệu quả nhất.
3.2. Phương pháp 6 lọ
Đây là phương pháp quản lý tài chính của T.Harv Eker trong cuốn sách “Bí mật triệu phú”. Tượng tự quy tắc 50-30-20, phương pháp này chia thu nhập thành 6 khoản khác nhau.
Lọ 1 (55% thu nhập) – chi tiêu thiết yếu | dành cho các khoản chi phí bắt buộc như tiền nhà, tiền xe, tiền ăn, các hóa đơn,… |
Lọ 2 (10% thu nhập) – tiết kiệm dài hạn | phục vụ cho các mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe, kinh doanh,… |
Lọ 3 (10% thu nhập) – dành cho giáo dục | dành cho việc tham gia các khóa học, hội thảo,… nhằm mục đích bồi đắp kiến thức, kỹ năng, phát triển bản thân. |
Lọ 4 (10% thu nhập) – hưởng thụ | giúp bản thân thoải mái, thư giãn sau khi nỗ lực làm việc, tiết kiệm bằng cách du lịch, chăm sóc da, cơ thể,… |
Lọ 5 (10% thu nhập) – đầu tư tài chính | dành cho việc đầu tư, góp vốn kinh doanh,… để sinh lời, tạo ra thu nhập thụ động. |
Lọ 6 (5% thu nhập) – từ thiện | giúp đỡ bạn bè, người thân,… hoặc đóng góp cho các quỹ cộng đồng. |
Phương pháp này cụ thể, chi tiết, giúp dễ dàng kiểm soát dòng tiền cá nhân. Tuy nhiên, khá phức tạp với người mới bắt đầu và khó áp dụng với người có mức thu nhập từ trung bình trở xuống.
3.3. Phương pháp Kakeibo của người Nhật
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là sổ chi tiêu tài chính, được tạo bởi nhà báo Hani Motoko năm 1904 và vẫn được nhiều người sử dụng hiệu quả cho đến nay.
Cái hay của phương pháp này ở chỗ bạn sẽ phải viết tay các khoản thu chi của mình ra vì vậy mà có thời gian suy nghĩ, cân chỉnh thói quen chi tiêu.
Phương pháp Kakeibo bao gồm những bước sau:
Bước 1: Ghi lại những khoản thu
Vào đầu tháng, bạn cần tính tổng những khoản thu vào quỹ cá nhân của mình bao gồm các khoản thu nhập, tiền người khác trả nợ, tiền lãi suất,…
Bước 2: Ghi các khoản chi cố định
Những khoản chi cố định bao gồm tiền nhà, các loại hóa đơn điện nước,… Sau đó lấy tổng thu trừ đi các khoản cố định này.
Bước 3: Ghi ra số tiền tiết kiệm mong muốn
Đây là số tiền bạn dành ra để tiết kiệm hoặc đầu tư, có thể từ 10-20% thu nhập, tùy theo khả năng tài chính và nhu cầu. Tiếp theo, lấy kết quả từ bước 2 trừ đi số tiền tiết kiệm mong muốn và chuyển sang bước 4.
Bước 4: Ghi chép chi tiêu từng ngày theo mục
Số tiền còn lại sau khi trừ ở bước 3 sẽ dành cho bạn chi tiêu các nhu cầu hàng ngày. Các khoản chi tiêu này sẽ được chia thành các mục sau:
- Thiết yếu: bao gồm thực phẩm, xăng xe, khám chữa bệnh, học tập, đồ dùng cá nhân.
- Không thiết yếu: những món đồ xa xỉ, cà phê, nhà hàng sang trọng.
- Giải trí: du lịch, sách báo, tranh ảnh,…
- Phát sinh: sinh nhật, đám cưới,…
Bước 5: Tính tổng chi tiêu của tháng
Vào cuối tháng, bạn cần tính tổng số tiền đã sử dụng và đánh giá có vượt qua số tiền đã xác định đầu tháng không. Bạn cần xem xét, điều chỉnh nếu dành quá nhiều tiền bạc vào các khoản không quan trọng và có thể cắt giảm.
Phương pháp đơn giản này vẫn luôn được người Nhật sử dụng hiệu quả sau hơn 119 năm và được cho là sẽ giúp tiết kiệm đến 35% chi phí tiêu dùng mỗi năm.
Các bạn hãy tham khảo các phương pháp quản lý tài chính cá nhân trên, lựa chọn một phương pháp và áp dụng thật nghiêm túc, kỷ luật nhé!
Đọc thêm: