Trang chủReviewsReview sáchReview Tâm lý học về tiền - Bí mật của tự do...

Review Tâm lý học về tiền – Bí mật của tự do tài chính

Chúng ta đều có những mục tiêu tài chính khác nhau trong đời. Mải miết chạy theo những mong ước vật chất, có người bị vấp ngã phía sau, có người đã chạm vào những cột mốc, nhưng sau cùng có ai cảm nhận được hạnh phúc sau những năm tháng tranh đấu. Đưa cho chúng ta những tư duy hoàn toàn mới về tiền, cuốn sách Tâm lý học về tiền của Morgan Housel được cho là sẽ tiết lộ những bí mật về tham vọng, sự thịnh vượng và hạnh phúc.

Tâm lý học về tiền có một hướng tiếp cận hoàn toàn mới về lĩnh vực tài chính, không đưa ra những công thức, bí mật làm giàu, cuốn sách đề cập đến những hành vi, tâm lý rất đỗi bình thường của con người nhưng lại là những sai lầm nghiêm trọng trong việc hướng tới độc lập tài chính.

Đôi nét về tác giả

Morgan Housel sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Ông là đối tác của The Collaborative Fund – một công ty đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, ông từng viết các chuyên mục về chủ đề tài chính, đầu tư và kinh doanh cho các Tạp chí lớn là The Motley Fool và The Wall Street Journal.

Ông là người hai lần đạt Giải thưởng Kinh doanh Xuất sắc nhất của Hiệp hội Nhà văn và Biên tập Kinh doanh Hoa Kỳ, đạt giải thưởng Sidney của Thời báo New York và 2 lần lọt vào chung kết Giải thưởng Gerald Loeb cho Báo cáo Tài chính và Kinh doanh xuất sắc.

Năm 2018, Morgan Housel có một bài báo cáo về 20 khuyết điểm, định kiến và nguyên nhân của những hành vi xấu mà ông quan sát được ảnh hưởng đến cách đối phó của mọi người với tiền. Bài báo được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ. Vì vậy năm 2020, cuốn sách Tâm lý học về tiền: Những bí mật về tham vọng sự thịnh vượng và hạnh phúc ra đời, làm rõ và sâu sắc hơn 20 điều trên. 

Từ khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng vào top sách bán chạy của New York Times, Amazon. Tâm lý học về tiền đã bán được hơn 2 triệu bản và được dịch ra hơn 50 thứ tiếng.

Tâm lý học về tiền

Một số cuốn sách nổi tiếng khác của Morgan:

  • 50 years in the Making: The Great Recession and Its Aftermath
  • Everyone Believes It; Most Will Be Wrong: Motley Thoughts on Investing and the Economy.

Nội dung chính Tâm lý học về tiền

Trong Tâm lý học về tiền, từ vô vàn những ví dụ thực tế, tác giả đã chỉ ra thành công trong lĩnh vực tài chính không phải là một việc khó nhằn. Việc này không yêu cầu bạn phải là chuyên gia trong lĩnh vực toán học, thuần thục mọi công thức, nguyên lý của đầu tư và tiền tệ, mà điều quan trọng là cách bạn hành xử hay kỹ năng mềm.

Tác giả gọi những kỹ năng mềm này là tâm lý học về tiền. Bắt đầu, nghiên cứu lĩnh vực tài chính từ năm 2008, thời điểm là bình minh của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 80 năm, tác giả nhận ra không có một câu trả lời cụ thể, chính xác nào cho cuộc thảm họa tài chính này. Thay vì nghiên cứu qua lý thuyết tài chính thì ta có thể hiểu và nhìn toàn vẹn hơn cơn khủng hoảng qua góc nhìn tâm lý học và lịch sử.

Tương tự như vậy, dù có là một nhà đầu tư tài ba hay một người công nhân bình thường, thì những quyết định tài chính của mỗi người đều bị ảnh hưởng lớn từ trải nghiệm quá khứ, hoàn cảnh gia đình, các yếu tố tâm lý dẫn đến hàng vạn kết quả khác nhau thay vì việc chỉ cần hiểu và tuân theo lý thuyết của đồng tiền. 

Tâm lý học về tiền gồm 20 chương miêu tả những yếu tố quan trọng và thường đi ngược lại với trực giác tâm lý học về tiền. Những bài học này, sẽ giúp ta nhìn nhận ra những sai lầm thường mắc phải về vấn đề tiền bạc, đồng thời thay đổi tư duy về tài chính và có thêm định hướng cho việc quản lý tài chính cá nhân.

Thay đổi cái nhìn về cách bản thân và người khác tiêu tiền

Chúng ta thường nhìn cách tiêu tiền của một người và đánh giá họ tiêu xài quá hoang phí hoặc quá tằn tiện. Tuy nhiên, như Morgan Housel nhắc đến, không ai ra một quyết định mua sắm dựa trên một bảng tính, quyết định của mỗi người đều dựa trên trải nghiệm quá khứ, môi trường sống, giá trị quan, cảm xúc. Do đó, một quyết định mua sắm có thể bị coi là điên cuồng với người này nhưng lại hết sức hợp lý với nguyền khác.

Một dẫn chứng trong Tâm lý học về tiền liên hệ với thực tế đa số người mua vé số thuộc tầng lớp thu nhập thấp nhất. Họ không có 400$ cho trường hợp khẩn cấp nhưng lại dành 412$ mỗi năm để mua vé số. Nhiều người chắc hẳn nghĩ đây là hành động điên rồ khi đánh đổi sự an toàn của bản thân cho một cơ hội may mắn một trên một triệu.

Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh của những người này, họ có rất ít cơ hội để gia tăng thu nhập và sinh sống với một khoản tiền nhỏ mỗi tháng, vì vậy việc có 1 khoản tiết kiệm là một điều xa xỉ với họ. Họ hầu như không sở hữu thứ gì, do đó việc mua vé số mang lại cảm giác giống như được nắm giữ một ước mơ hữu hình. Điều này nghe có vẻ hợp lý vì thỏa mãn một nhu cầu nhỏ bé muốn được sở hữu của những người thu nhập thấp. Từ đây, ta có thể thấy không có khoản chi tiêu nào là đúng, mà nó chỉ phù hợp với từng người.

Tâm lý học về tiền

“Trải nghiệm cá nhân liên quan đến tiền bạc của bạn đóng góp khoảng 0.00000001% những gì xảy ra trên thế giới, nhưng có lẽ lại chiếm đến 80% cách bạn suy nghĩ về việc thế giới vận hành.”  

Những trải nghiệm của bạn chỉ là một phần rất nhỏ trong những khả năng có thể xảy ra trên thế giới này, vì vậy không nên phóng chiếu thế giới quan của mình lên trường hợp của người khác. Một người sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ có cách sử dụng tiền khác với người sinh ra trong thời kỳ kinh tế phát triển.

Tầm quan trọng của may mắn

Những cuốn sách viết về thành công của những tỷ phú trên thế giới, người ta thường nói về trí thông minh, sự chăm chỉ, bền bỉ, phân tích những chiến lược kinh doanh, đầu tư đem lại lợi nhuận khổng lồ. Còn về sự may mắn, có lẽ chỉ được nhắc trong 1, 2 trang giấy. 

Tuy nhiên, trong Tâm lý học về tiền, yếu tố may mắn được tác giả dành hẳn một chương để nói về tầm quan trọng của yếu tố khó đong đếm này trong việc tạo ra thành công.

Vào năm 1968, Bill Gate là một học sinh may mắn trong một triệu thiếu niên lứa tuổi cấp 3 theo học tại trường ngôi trường có tầm nhìn và tài chính duy nhất trên thế giới có một chiếc máy tình vào thời điểm lúc bấy giờ. Cơ hội này đã cho ông cùng 2 người bạn cùng chung ý tưởng phát triển một công ty là Microsoft trong tương lai, môi trường nghiên cứu mỗi buổi tối và cuối tuần trên một chiếc máy tính thật. 

Tuy nhiên, một trong hai người bạn là Kent Evans đã không may qua đời trong một tai nạn leo núi. Tỷ lệ tỷ vọng do tai nạn này với học sinh cấp 3 chỉ là một trên một triệu.

Như vậy, 2 người bạn cùng được nhận một nền giáo dục, có tài năng ngang ngửa nhau, trong khi một người nằm trong tỷ lệ một trên một triệu người may mắn thì người còn lại không may thuộc tỷ lệ ngược lại.

May mắn và rủi ro luôn song hành với nhau như hai mặt của đồng xu. Thực tế mỗi thành tựu đạt được đều có sự đóng góp của nhiều yếu tố bên ngoài không chỉ là nỗ lực cá nhân. Do đó, không nên tự mãn với những thành quả đạt được mà lơ là  

Tự do đồng tiền đem lại

Sự tự do cao nhất mà đồng tiền đem lại cho chúng ta là khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình. Tự do tài chính không có nghĩa là bạn sẽ ngừng làm việc, mà khi đó, bạn chỉ làm những công việc bạn muốn với người bạn thích.

Nhiều người cho rằng càng nhiều tiền thì càng hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người vì một thu nhập tốt chấp nhận làm công việc mình không thích và đánh đổi thời gian với người thân yêu để dành cho công việc. Khi đó, họ có đang tự do?

Do đó, chúng ta cần xác định một mức “đủ” để đạt được tự do, nếu vượt qua mức này mọi bạn không đạt được sự hài lòng hơn mà thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ khác. Bạn có thể là một nhà đầu tư giỏi trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng cuộc sống có những điều không bao giờ đáng để mạo hiểm, bất kể lợi ích tiềm năng.

Cuộc sống của con người chịu tác động của nhiều thứ ngoài công việc như các mối quan hệ, sức khỏe, môi trường sống,… Vì vậy, có thể cân bằng các yếu tố này sẽ tạo ra một cuộc sống hài hòa, bình yên. Còn chỉ tập trung vào một yếu tố thì bạn có thành công đến đâu ở lĩnh vực đó vẫn sẽ cảm thấy thiếu thốn vì những khía cạnh còn lại.

Tâm lý học về tiền

Kiếm tiền thì dễ, giữ tiền mới khó

Bạn miệt mài làm việc để có mức thu nhập cao hơn, rồi nướng phần lớn vào những món đồ xa xỉ, vào những thứ vô bổ vì nghĩ mình xứng đáng được nhận sau những cố gắng. Sau cùng, số tiền còn lại bạn giữ được có nhiều hơn số tiền tiết kiệm khi thu nhập chưa tăng? 

Trong cuốn sách Tâm lý học về tiền, tác giả có một khái niệm rất hay cho rằng sự giàu có được định nghĩa bằng những món đồ chúng ta chưa mua, chứ không phải là những thứ mà ta đã mua. Đó là khả năng biến tiền thành những món đồ hữu hình hoặc vô hình mà chúng ta vẫn chưa làm. 

Rất nhiều ví dụ trong Tâm lý học về tiền, cho thấy những trường hợp rất giàu có, thịnh vượng khi còn trẻ nhưng sau đó khánh kiệt lúc về già vì thói quen tiêu xài hoang phí. Có nhiều món đồ chúng ta mua để ganh đua, thể hiện bản thân hơn là vì giá trị cốt lõi của nó.

Trong khi, việc kiếm tiền cho chúng ta niềm vui, cảm giác chiến thắng tuyệt vời thì việc giữ tiền có phần ổn định, nhàm chán, lo sợ hơn. Vì vậy việc kiếm tiền dễ hơn giữ tiền. Để giữ được tiền trong túi, chúng ta phải đối mặt với thử thách thấu hiểu và kiểm soát bản thân, không để bản thân bị chi phối bởi cái tôi, cảm xúc nhất thời và những chiêu bài marketing. 

Mua sách Tâm lý học về tiền giảm 30% tại đây

Trích dẫn hay trong Tâm lý học về tiền

  1. Trải nghiệm cá nhân liên quan đến tiền bạc của bạn đóng góp khoảng 0.00000001% những gì xảy ra trên thế giới, nhưng có lẽ lại chiếm đến 80% cách bạn suy nghĩ về việc thế giới vận hành. 
  2. May mắn và thất bại đều là hai phần không thể thiếu của cuộc sống. Đừng cho rằng chỉ nỗ lực cá nhân sẽ làm cho bạn hoặc người khác thành công.
  3. Không có lý do gì để mạo hiểm những gì bạn có và cần cho những gì bạn không có và không cần.
  4. Có phải họ đã mua một chiếc Ferrari vì nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho họ sự ngưỡng mộ mà không nhận ra rằng tôi – và có thể là hầu hết những người khác – những người ấn tượng với chiếc xe đã không thực sự dành cho người lái xe một chút chú ý nào?
  5. Thế giới đầy rẫy những người trông có vẻ khiêm tốn nhưng thực sự giàu có và những người trông giàu có đang sống trên bờ vực của sự vỡ nợ. Hãy ghi nhớ điều này khi nhanh chóng đánh giá thành công của người khác và thiết lập mục tiêu của riêng bạn.
  6. Mọi người rất giỏi bắt chước. Nhưng bản chất tiềm ẩn của sự giàu có khiến bạn khó có thể bắt chước người khác và học hỏi theo cách của họ.
  7. Xác định chi phí của thành công và sẵn sàng trả cho nó. Vì không có gì đáng giá lại miễn phí.
  8. Chúng ta đều có cái nhìn không hoàn chỉnh về thế giới, và chính chúng ta tự tạo ra những câu chuyện hoàn chỉnh để lấp đầy chỗ trống đó.
  9. Nhiều tiền không liên quan đến việc bạn thông minh như thế nào mà liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minhTâm lý học về tiền

Lời kết

Tâm lý học về tiền sẽ làm thay đổi tư duy của chúng ta về tiền, từ đó có những quyết định khôn ngoan hơn về quản lý tài chính và đạt được cuộc sống tự do, hạnh phúc. Những bài học trong cuốn sách không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực tài chính mà còn ở mọi mặt trong đời sống.

Nhiều bài học bố ích về cuộc sống cũng được rút ra trong cuốn sách như không thể so sánh hay đánh giá bất cứ ai; không nên tự phụ vì thành công được tạo nên từ nhiều yếu tố; biết thế nào là “đủ”;…

Tâm lý học về tiền là một cuốn sách dễ đọc và đáng đọc cho những ai đang muốn cải thiện tình hình tài chính cũng như tìm kiếm chìa khóa của tự do và hạnh phúc.

Đọc thêm:

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI