Công ty Backbase của Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng mới đây thực hiện một khảo sát đã công bố, khoảng 67% người Việt Nam tham gia khảo sát cảm thấy gặp vấn đề với việc quản lý tài chính cá nhân. Đây là tỷ lệ cao thứ hai trong các nước châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Thái Lan.
Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc của nước ta xếp cao nhất trong số số quốc gia được khảo sát. Tiết kiệm là vấn đề được nhiều người cho là khó khăn nhất. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như: nợ nần, cách quản lý tiền bạc, dành dụm để nghỉ hưu, quản lý danh mục đầu tư.
Những con số này cho thấy, những vấn đề về quản lý tài chính nói chung và tiết kiệm nói riêng là vấn đề của tất cả mọi người.
Đặc biệt trong đó, gen Z – thế hệ ưa chuộng lối sống tự do, nhiều người còn mơ hồ với định hướng tương lai dễ có những hành động mua sắm không kiểm soát, và rồi “mất kiểm soát” với chính cuộc sống của mình.
Chốt đơn hàng lúc 2h sáng rồi mua về những thứ không bao giờ dùng đến. Săn sale các sàn thương mại điện tử dù chưa có nhu cầu, chỉ đơn giản vì món hàng đang khuyến mại. Đầu tháng chi tiêu mạnh tay, đến cuối tháng ăn mỳ tôm cầm hơi, vay nóng tiền của bạn bè…. Và rất nhiều những tình huống giở khóc, giở cười khác mà chắc chắn rất nhiều bạn trẻ gặp phải do thói quen chi tiêu không có kế hoạch của mình.
Thói quen mua sắm để thỏa mãn cảm xúc
Thời điểm ra trường và đi làm được 2 năm, Tuấn Sơn (27 tuổi, quê Hà Nam) mới chỉ để dành được vỏn vẹn 20 triệu đồng. Sau đó, bạn trẻ này vay thêm bạn bè 10 triệu đồng mua chiếc máy tính để bàn cấu hình cao để… chơi game.
Sơn không có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Anh cho hay đơn giản là mỗi tháng cố gắng tiêu dùng sao cho vừa vặn với số tiền kiếm ra, nếu dư thì tốt. Có nhiều tháng, Sơn phải cần đến bố mẹ hỗ trợ tiền sinh hoạt hoặc vay nóng bạn bè.
Với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng, bạn trẻ sinh năm 1996 chi phân nửa cho các chi phí cố định như 3,5 triệu đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước khoảng 600.000 đồng, xăng xe 500.000 đồng, nạp tiền điện thoại 200.000 đồng. Một nửa còn lại thì phục vụ cho ăn uống, giao lưu bên ngoài, mua sắm và sở thích chơi game.
Giống như thức ăn hay rượu, mua sắm cũng kích thích não bộ sản sinh ra chất dopamine – chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, tăng hưng phấn và khiến ta tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực.
Do đó, hiện nay xuất hiện một xu hướng mua sắm để “trả thù”. Thuật ngữ này xuất hiện dựa trên việc mua sắm điên cuồng để làm quên đi những nỗi buồn, áp lực từ công việc, chuyện tình cảm và cuộc sống.
Khi đó, các bạn trẻ coi việc mua sắm là để bù đắp, xoa dịu cho bản thân sau những áp lực, giờ làm việc căng thẳng.
Cộng hưởng cùng sự dễ dàng trong mua sắm và thanh trực tuyến hiện nay đã tạo ra thói quen mua sắm theo cảm xúc, không kiểm soát của bộ phận lớn giới trẻ mà chính họ cũng không nhận ra tổng số tiền tích lũy đã lớn đến mức nào. Gói hàng này còn chưa bóc, gói hàng khác đã được chuyển đến.
Nếu vẫn giữ thói quen này thì lời bào chữa không thể tiết kiệm tiền lương chỉ đủ sống cũng vô nghĩa. Vì nếu lương có tăng thì nhu cầu mua sắm của họ cũng sẽ tăng theo mà thôi.
Các bạn trẻ có thể dùng việc mua sắm để xoa dịu “nỗi đau ngắn hạn” nhưng lại vô tình tạo ra “nỗi đau dài hạn”. Đổi lấy niềm vui trước mắt, các bạn trẻ có thể đối mặt với tình trạng kiếm được 10 nhưng tiêu 11, quay cuồng trong vòng xoáy vay tiền – trả nợ.
Cũng trong khảo sát của Backbase, 67% số người được khảo sát ở Việt Nam gặp vấn đề trong việc tiết kiệm. Việc không có một khoản tiết kiệm hay một quỹ dự phòng đặt cuộc sống của các bạn trẻ vào nhiều hiểm họa.
Người Việt thiếu kỹ năng quản lý tài chính cần thiết
Một khảo sát tài chính gần đây do một tổ chức công nghệ thanh toán trực tuyến thực hiện tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng: Người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt nhưng lại hạn chế kỹ năng quản lý tiền cơ bản và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính.
Trong 16 nước được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 14. Kết quả cho thấy giới trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu là Quản lý chi tiêu cá nhân và Đầu tư tài chính.
Những kiến thức về quản lý tài chính cần thiết cho tất cả mọi người vì nó là nền tảng cho tương lai của mỗi người và có thể bắt đầu đơn giản từ việc kiểm soát chi tiêu và đầu tư đúng mục đích.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng Giám đốc của AFA Capital cho biết: “Khi đồng lương về, các bạn bao nhiêu tuổi thì bạn trích từng đấy phần trăm để chúng ta đi đầu tư lâu dài, còn phần còn lại tuổi trẻ mà phải có những trải nghiệm, phải đi du lịch, phải gặp gỡ bạn bè và đầu tư vào bản thân là năng lực, kiến thức, các mối quan hệ xã hội để làm sao mà từ đó tạo ra dòng tiền lớn trong tương lai. Quản lý tài chính là một dạng kỹ năng, khi các bạn trẻ hiểu là cần có một kỹ năng để có một khoản tích lũy dành cho mình trong tương lai thì các bạn sẽ kiểm soát được chi tiêu”.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Chuyên gia tài chính lại cho rằng: “Cách chi sẽ quyết định thành tựu cuối cùng, tức là cách hành động chi thì đừng chi theo xu hướng mà hãy chi theo ý đồ của mình. Phải giữ bằng được trong thế giới hiện đại này là kỷ luật tài chính. Chỉ có một thái độ đúng trong chi tiêu đó là chi tiêu trên nền tảng tiết kiệm, nó nằm giữa bần tiện và hoang phí, cái gì cần tại sao không tiêu, còn không cần một xu cũng chào”.
Quản lý tài chính cá nhân không đơn thuần là quản lý tiền bạc mà con liên quan đến ý thức và kỷ luật cá nhân. Chi tiêu trong quy củ sẽ tạo ra tự do cho mỗi người. Đặt mục tiêu và kế hoạch quản lý tài chính của bản thân để không còn phải loay hoay với đồng tiền.
Tham khảo một số cuốn sách hay về chủ đề quản lý tài chính cá nhân:
- “Người giàu có nhất thành Babylon” giảm 25%
- “Tâm lý học về tiền” giảm 30%
- “Kỹ năng quản lý tài chính trong 30 ngày” giảm 30%
Tổng hợp
Đọc thêm: