Trang chủTin tứcLỗ Tấn và cuộc hôn nhân bi kịch

Lỗ Tấn và cuộc hôn nhân bi kịch

Lỗ Tấn được biết đến như “vị chủ tướng” của cách mạng văn hóa, người tiên phong trào lưu chống lại hủ tục, nhưng chính cuộc đời ông lại bị bó buộc bởi những hủ tục. Dù thành công trên mặt trận văn học và sự nghiệp đến đâu, thì nỗi bất hạnh trong cuộc sống gia đình vẫn là gánh nặng trong lòng nhà văn.

Lỗ Tấn, tên thật là Chu Chương Thọ sinh năm 1881, ở Triết Giang, Trung Quốc. Khi mới 16 tuổi, cha ông qua đời, là con trưởng, ông phải đảm đương vai trò chăm sóc mẹ và các em. Do thông minh, hiếu học, năm 21 tuổi ông được sang Nhật du học. Khi đang học năm thứ tư, ông nhận được điện báo từ quê nhà rằng “Mẹ ốm về gấp”. Ông tức tốc về nước nhưng khi đến nhà lại thấy đèn hoa kết đầy, thì ra mẹ ông gọi về…bắt lấy vợ. Để chiều lòng mẹ, ông đành chấp nhận.

Đến ngày cưới, ông mới biết mặt vợ mình. Cô dâu là Chu An, cùng quê Thiệu Hưng. Một cô gái không mấy thu hút với dáng người thấp nhỏ, mặt dài, trán dô, bó chân, tướng mạo tầm thường, còn mù chữ và hơn ông 3 tuổi. Chu An dường như khác xa với chàng thanh niên tân học háo hức tiếp thu cái mới như Lỗ Tấn.

Lỗ Tấn và cuộc hôn nhân bi kịch
Người vợ Chu An của Lỗ Tấn

Lỗ Tấn nhất quyết không coi Chu An là vợ. Bốn hôm sau, ông lên đường trở về Nhật Bản cùng cậu em trai là Chu Tác Nhân vừa thi đỗ học bổng du học Nhật. Về sau, khi có ai hỏi đến chuyện này, Lỗ Tấn đều bảo: Đây là mẹ tôi lấy con dâu chứ đâu phải chuyện của tôi. 

Sau khi về nước, ông đến Bắc Kinh làm việc, mua nhà rồi đón mẹ, vợ và gia đình em trai đến ở, nhưng không chung phòng với vợ. Tình cảm ông dành cho vợ lạnh nhạt đến nỗi, mẹ ông từng kể: Suốt ngày hai vợ chồng Lỗ Tấn chỉ nói với nhau đúng 3 từ. Buổi sáng vợ gọi chồng dậy, ông đáo “Ờ” Đến bữa, vợ gọi ra ăn, chồng đáp “Ờ”. Buổi tối, vợ hỏi có khóa cổng sớm không, chồng đáp “Có” hoặc “Không”.

Lỗ Tấn cũng từng khuyên vợ nên đi học chữ nhưng Chu An không chịu. Có lẽ khoảng cách về tư tưởng và lối sống là thứ mãi mãi chắn ngang giữa hai người. 

Sau khi trào lưu phá bỏ hủ tục cũ Ngũ Tứ nổ ra, rất nhiều nhà trí thức phải chịu kiểu hôn nhân hủ lậu đã li dị với vợ, trong đó có nhà thơ Quách Mạt Nhược và Uất Đại Phu. Lỗ Tấn đã suy nghĩ rất lung về việc này nhưng rồi vẫn quyết định không ly hôn, bởi lẽ không muốn đẩy Chu An vào bước đường cùng.

Theo tập tục ở Triệu Hưng, người con gái đã xuất giá mà bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ thì cuộc đời coi như bỏ đi. Họ sẽ bị người đời sỉ vả, khinh bỉ, và làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình. Nhiều cô gái vì không chịu được nỗi uất ức này mà chọn kết liễu đời mình.

Trong Tùy cảm lục số 40, ông đã nói về hôn nhân thế hệ mình như sau: “Những về phía nữ giới, họ vốn là không có tôi, mà bây giờ phải hy sinh vì tập quán cũ. Chúng ta đã từng giác ngộ về đạo đức của nhân loại… không thể trách cứ người khác giới, đành phải hy sinh một đời để trả món nợ bốn nghìn năm.”

Ông đã chọn hy sinh hạnh phúc của mình để không khiến Chu An rơi vào cảnh khốn đốn. Nhưng rốt cuộc, Lỗ Tấn vẫn tìm được một nửa phù hợp của mình. Đó là Hứa Quảng Bình, từng là học trò của Lỗ Tấn tại trường Nữ sư phạm Bắc Kinh, kém ông 17 tuổi. Cô quý mến người thầy qua các tác phẩm và rồi đem lòng yêu ông. 

Năm 1927, Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình đến Thượng Hải sống chung, để lại người mẹ và vợ ở Bắc Kinh. Khi nghe tin, Chu An đã rất buồn, bà nói: “Trước đây tôi đều muốn hầu hạ ông ấy thật chu đáo, mọi việc nhất nhất nghe ông ấy, tin rằng như vậy chắc chắn là về sau mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Tôi chẳng khác già con ốc sên bò từng tí từng tí lên bức tường, mong rằng sẽ có ngày lên đến chỗ cao nhất. Nhưng bây giờ thì hết sức rồi. Tôi có tốt đến mấy với ông ấy cũng hoài công”.

Lỗ Tấn sống với Hứa Quảng Bình 12 năm thì qua đời, hai người có với nhau một người con trai đặt tên là Chu Hải Anh. Bà Hứa đã giúp Lỗ Tấn rất nhiều trong việc ghi chép bản thảo, sắp xếp, chỉnh lý giấy tờ, thư từ và vẫn dùng ngòi bút bảo vệ ông suốt 30 năm sau khi nhà văn qua đời. 

Lỗ Tấn và cuộc hôn nhân bi kịch
Lỗ Tấn, Hứa Quảng Bình và con trai

Suốt cuộc đời, Lỗ Tấn đã gửi tiền nuôi mẹ và Chu An. Sau khi mất, Hứa Quảng Bình tiếp tục thực hiện bổn phận này. Tuy nhiên sau khi mẹ Lỗ Tấn qua đời, Quảng Bình cũng ngừng chu cấp cho Chu An với lý do cuộc sống khó khăn. Từ đó, cuộc sống Chu An rơi vào nghèo khổ, bà phải bán mọi thứ trong nhà để sinh sống.

Nỗi buồn về cuộc hôn nhân của mình khiến cho nhà văn ít khi nào nói về tình yêu trong các tác phẩm và thường có kết cục buồn. Vì nỗi canh cánh này mà ông nhìn đời khá bi quan nhưng cũng vì thế mà ông thấu hiểu sâu sắc hơn cuộc đời của người dân.

Theo bạn, trong câu chuyện này, ai mới là người chịu nhiều đau khổ nhất?

Tác phẩm “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn

Đọc thêm:

Vũ Bằng – sự nghiệp văn chương rực rỡ và nỗi hàm oan cuối đời

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI