Vũ Bằng là nhà văn hàng đầu trong văn đàn Việt Nam thời kỳ tiền chiến. Suốt cuộc đời, ông đã miệt mài sáng tác và để lại nhiều áng văn giá trị cho nền văn học nước nhà. Thế nhưng, nhà văn tài hoa này lại có một cuộc đời không dễ dàng và nhiều năm liền phải sống trong oan khuất.
Vài nét về tiểu sử
Nhà văn Vũ Bằng tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 tại Hà Nội, quê gốc ở Hải Dương. Bố mất sớm, một tay người mẹ tần tảo nuôi 6 người con bằng công việc bán sách ở phố Hàng Gai.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống Nho học, Vũ Bằng đã sớm bộc lộ tinh thần hiếu học, đặc biệt là tình yêu với văn chương. Ông theo học tại trường Trung học Albert Sarraut và sau này đỗ Tú tài Pháp. Năm 16 tuổi, ông đã có tác phẩm đầu tiên được đăng trên An Nam tạp chí.
Mặc dù người mẹ ngăn cản và mong muốn Vũ Bằng du học Pháp theo ngành Y khoa, nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương.
Năm 17 tuổi, ông xuất bản tác phẩm đầu tay mang tên “Lọ Văn”. Ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã đảm nhận vị trí chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, thư ký tòa soạn Trung Bắc Chủ Nhật và làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo ở Hà Nội và Sài Gòn.
Có thể nói, trong lĩnh vực văn học, báo chí thập niên 30, 40 Vũ Bằng là một trong những người tài năng và hoạt động sôi nổi nhất.
Năm 1935, ông thành hôn với bà Nguyễn Thị Quý người Bắc Ninh, người vợ sau này trở thành nguồn cảm hứng lớn trong các tác phẩm của ông.
Cuối năm 1946, Vũ Bằng và gia đình tản cư ra vùng kháng chiến
Năm 1948, ông trở về Hà Nội và tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Năm 1954, ông nhận được sự phân công của tổ chức vào Sài Gòn, để lại vợ và con trai tại Hà Nội (bà Quý qua đời năm 1967).
Ông mất năm 1984 tại Sài Gòn, thọ 71 tuổi.
Sự nghiệp văn chương rực rỡ
Trong suốt quá trình hoạt động Vũ Bằng đã để lại cho nền văn học nước nhà vô vàn những tác phẩm xuất sắc, có giá trị vượt thời gian. Ông luôn mang niềm trăn trở tìm tòi, sáng tạo với nghệ thuật vì vậy văn chương của ông luôn đa dạng, nhiều màu sắc, để lại những dấu ấn quan trọng trong nền văn học nước nhà.
Tuy nhiên, hành trình của ông trong sự nghiệp văn chương cũng không hề bằng phẳng, dễ dàng.
Tài năng sớm được bộc lộ từ khi còn rất trẻ với tác phẩm đầu tay Lọ Văn. Hoạt động tích cực ở cả hai mảng báo chí và văn chương, ông tiếp tục gặt hái được nhiều thành công khi hàng loạt các tác phẩm tạo được tiếng vang lớn được phát hành là Một mình trong đêm tối, Truyện hai người, Tội ác và hối hận.
Khi có chút thành công và dư dả, Vũ Bằng sa vào ăn chơi khét tiếng, dẫn đến nghiện á phiện nặng suốt 5 năm. Nhưng nhờ có người vợ Nguyễn Thị Quỳ luôn ở bên săn sóc, khuyên nhủ, cùng với sự quyết tâm của bản thân, ông đã thoát ra khỏi làn khói thuốc phiện và viết cả một cuốn tự truyện mang tên Cai.
Sau khi ăn lăn, ông vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Năm 1954, Vũ Bằng vào Sài Gòn công tác, ông làm việc tại Việt Tấn Xã và cộng tác với nhiều tờ báo. Ông chuyên về dịch thuật nhiều hơn sáng tác.
Ở nơi đất khách, với tình yêu dành cho người vợ hiền, nỗi nhớ mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên và với những chiêm nghiệm về chặng đường hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác những tác phẩm để đời là Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam, Bốn mươi năm nói láo và thương nhớ mười hai.
Ngoài ra, Vũ Bằng cũng đã cho ra đời rất nhiều bút ký, tiểu thuyết, biên khảo trong khoảng thời gian này.
Những viên ngọc quý trong sự nghiệp văn học
Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam – tình yêu quê hương nồng nàn
Hai bút ký về ẩm thực được Vũ Bằng viết khi đang hoạt động ở Sài Gòn, qua việc giới thiệu các món ngon 2 miền mà thể hiện tình yêu với người vợ tảo tần đang phải xa cách, nỗi nhớ mảnh đất Kinh Kỳ và như lời cảm ơn mảnh đất miền Nam nồng hậu.
Đầu tác phẩm Miếng ngon Hà Nội, nhà văn có viết: “Thân mến tặng Quỳ – người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi thưởng thức miếng ngon đất bắc; để kỷ niệm những ngày vui sống trên đầm Linh Đường ngào ngạt hương sen”
Nỗi nhớ, hoài niệm ấy đã được chuyển hóa qua ngòi bút của tác giả trở thành câu chuyện hồi tưởng qua cái bánh, chén trà, những món ngon, độc đáo ở riêng Hà Nội. 15 món ngon nức tiếng xứ Kinh Kỳ là phở, rươi, cốm, các thứ bánh và không thể thiếu món “mộc tồn”.
Mỗi món ngon đều được miêu tả kỹ càng về nguyên liệu, cách chế biến, cách thưởng thức. Từ đó, hiện lên một Hà Nội vừa thực, vừa thơ, mang đầy màu nỗi nhớ.
Với Món lạ miền Nam, Vũ Bằng giới thiệu bạn đọc tám món ăn có phần kỳ lạ của người miền Nam. Những món ăn nghe tên thôi cũng khiến người ta thấy chần chừ có nguyên liệu dân dã độc lạ từ rùa, chuột đồng, rắn, ốc,…với những nguyên liệu nêm nếm kỳ lạ.
Với giọng văn hóm hỉnh, lối miêu tả mộc mạc về cách chế biến, hương vị món ăn, Vũ Bằng khiến độc giả đi từ bất ngờ đến trầm trồ, say mê những món đặc sản dân dã của người dân Nam Bộ.
Từ đây ta như có thể cảm nhận được chính những rung cảm của tác giá khi được khám phá những thức quà miền Nam hấp dẫn và tình người nồng hậu nơi đây.
Dù ở Sài Gòn, Vũ Bằng luôn gìn giữ tình nỗi nhớ quê nhà, hương sách Hà Nội không nhạt nhòa theo tháng năm. Đồng thời, tác giả cũng vô cùng chân quý mảnh đất Sài Thành, những con người miền Nam đôn hậu đã bảo bọc, khoan dung với ông trên mảnh đất người. Tình yêu của Vũ Bằng là tình yêu dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Bốn mươi năm nói láo – lời bộc bạch về cuộc đời làm báo
Tùy bút thuật lại câu chuyện làm báo của tác giả và những người bạn bè, đồng nghiệp với tên tác phẩm dựa theo câu nói châm biếm “Nhà báo nói láo ăn tiền”.
Trong tác phẩm này, Vũ Bằng không ngần ngại viết về những sự thật mặt thấy tai nghe, thậm chí là cả giai đoạn đánh mất bản thân vào khói thuốc phiện. Từ đó, tác giả đúc rút những kinh nghiệm trong suốt hơn 40 năm hoạt động trong nghề đã làm nhiều thể loại báo khác nhau và giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Ông cũng dũng cảm lột trần những góc tiêu cực của nghề báo như chuyện “bôi trơn”, đút lót, tham nhũng, bóc tách từng “thế lực” chống lưng cho các cơ quan ngôn luận,…
Với một lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề, ông vạch trần những góc tối, tiêu cực của nghề vì mong muốn một lương lai trong sạch, đanh thép cho ngành báo chí nước nhà. Tác giả nhận thức rằng báo chỉ phải đại diện cho những người dân thấp cổ bé họng nói lên tiếng nói đấu tranh, công bằng, giải tỏa những oan ức trong đời.
Thương nhớ mười hai – nỗi nhớ khôn nguôi
Cuốn sách được nhà văn viết khi đang ở Sài Gòn dành tặng cho người vợ đang nơi miền Bắc mất mười một năm từ 1960 đến 1971 mới hoàn thành. Ngay từ lời đề từ cho tác phẩm, tác giả đã thể hiện cái tôi ấp ủ nỗi nhớ thương dành cho quê hương và người vợ thân thương: “Bắt đầu viết cuốn sách này là nhớ. Viết đến câu cuối bài tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: NGUYỄN THỊ QUỲ.”
Cuốn sách gồm 14 phần, phần đầu là Tự ngôn, tiếp đến là mười hai chương về thiên nhiên, con người miền Bắc qua sự thay đổi của các tháng và phần cuối dành riêng để viết về phong tục ngày Tết quê hương.
Thương nhớ mười hai” ấy là: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Ba, rét nàng Bân; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng Một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết.
Những dòng hồi ký cuồn cuộn chảy như một cuốn lịch của nỗi nhớ quê hương của tác giả suốt 12 tháng trong năm. Ta có thể thấy, dù xa quê nhưng tình yêu và những hồi ức của Vũ Bằng về con người và mảnh đất yêu thương không hề phai nhạt.
Nỗi oan cuối đời người văn nhân
Nói về sự nghiệp văn chương, Vũ Bằng là một cây bút xuất sắc thời kỳ 1930-1945, thậm chí ông còn là người phát hiện và đỡ đầu cho nhiều tác giả tên tuổi lớn sau này khi mới vào nghề như Nam Cao, Tô Hoài.
Tuy nhiên, Vũ Bằng và gia đình lại phải chịu tiếng oan là nhà văn “dinh tê, về thành” tức là quay lưng với cách mạng, di cư vào Nam theo giặc.
Thực tế là năm 1952 nhà văn nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành, đến năm 1954 nhận được chỉ thị vào miền Nam tiếp tục hoạt động.
Vì tính chất công việc phải giữ bí mật hoàn toàn, ông và gia đình đã phải chịu sự nghi ngờ, lời oán trách từ xã hội suốt 30 năm cuối đời. Năm 1984, khi ông lâm bệnh và trút hơi thở cuối cùng, gia cảnh vô cùng túng thiếu.
Nhờ có những người yêu mến dốc sức tìm hiểu và tìm ra bằng chứng ông tham gia vào mạng lưới tình báo, tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
Nỗi oan ức đã được gột rửa nhưng có lẽ đã quá muộn sau những gì nhà văn và gia đình phải chịu đựng suốt hàng chục năm.
Sau này, Vũ Bằng được xác nhận và Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm Vũ Bằng Toàn tập để cảm ơn cho những cống hiến của nhà văn.
Chịu bao oan khuất, nhưng Vũ Bằng không bao giờ tự nói về mình, ông là người chiến sỹ thầm lặng cống hiến hết mình trên cả mặt trận giải phóng và văn chương.