Việc đầu tiên làm khi thức dậy là lướt mạng xã hội, liên tục kiểm tra thông báo điện thoại, không bỏ lỡ bất kỳ đợt sale lớn của các sàn thương mại điện tử,… Đây là những dấu hiệu của hiệu ứng FOMO mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều gặp phải.
Hiệu ứng này hiện nay ngày càng ứng dụng nhiều trong hoạt động bán hàng trở thành những chiếc bẫy tâm lý khiến ta mua sắm nhiều hơn.
Định nghĩa FOMO
FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear of missing out” (tạm dịch là Nỗi sợ bị bỏ lỡ). FOMO là hội chứng đề cập đến cảm giác lo lắng, sợ hãi sẽ bỏ lỡ thông tin, sự kiện, trải nghiệm nào đó.
Định nghĩa FOMO là gì còn được thể hiện qua mong muốn duy trì kết nối liên tục với những người khác để được trở thành một phần của một cộng đồng lớn hơn. Tâm lý FOMO có thể là kết quả của việc bỏ lỡ một bộ phim mới ra mắt, không đầu tư vào một cổ phiếu đang lên giá, hoặc không biết về một tin tức trên mạng xã hội. FOMO được xem là một hiện tượng tâm lý tiêu cực và có ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành vi của con người.
Tiến sĩ Dan Herman (Israel), một chuyên gia marketing và tác giả của tờ The Journal of Brand Management xác định hiệu ứng FOMO lần đầu vào năm 1996. Ông đã làm một số nghiên cứu và rút ra kết luận rằng hiệu ứng FOMO có thể là một trong những lý do khiến khách hàng không còn trung thành với một thương hiệu nào đó. Vì hiệu ứng FOMO, khách hàng sẽ liên tục mua sản phẩm mới từ những thương hiệu mới để không bỏ lỡ những xu hướng thú vị.
Fomo Marketing đang đánh lừa chúng ta như thế nào?
Fomo marketing đề cập đến việc ứng dụng những đặc điểm của hội chứng sợ bỏ lỡ trong thiết kế, xây dựng thông điệp và chương trình truyền thông để tạo sự cấp bách, kham hiếm hay tính độc quyền cho sản phẩm/dịch vụ nhằm thu hút và thúc đẩy người dùng mua hàng.
Trong quá trình mua hàng, quá trình mua hàng càng kéo dài càng có thể xuất hiện những nhân tố cản trở việc người tiêu dùng ra quyết định mua hàng. Để ngăn chặn những tình huống này, Fomo Marketing được sử dụng để khuyến khích người tiêu dùng đưa ra quyết định mua ngay lập tức để tránh bỏ lỡ “cơ hội hiếm có”.
Những cách Fomo Marketing hoạt động để thuyết phục chúng ta tiêu dùng nhiều hơn:
Thiết lập thời gian khuyến mại giới hạn
Chắc các bạn không còn xa lạ với những flash sale chớp nhoáng của các sàn thương mại và của nhiều người bán hàng. Chiến thuật này thôi thúc người tiêu dùng mua hàng vì thời gian và số lượng sản phẩm có hạn.
Khách hàng trước những khuyến mại chớp nhoáng ấy sẽ mang tâm lý lo sợ bỏ lỡ một món hời và nhấn chọn vào giỏ hàng dù chưa thực sự có nhu cầu sử dụng.
Tạo độ khan hiếm cho sản phẩm
Sự khan hiếm là yếu tố quan trọng trong chiến lược Fomo Marketing. Nhấn mạnh vào độ khan hiếm sẽ khiến đẩy nhanh quyết định mua hàng của khách hàng vì lo sợ sản phẩm sớm
Vì vậy, nhiều người bán để số lượng tồn kho của mình thấp trên các sàn thương mại như một cách để thôi thúc khách hàng chọn mua.
Sử dụng review của KOL, KOC và người mua hàng
Những Feedback từ những khách hàng trước, review của KOL, KOC được coi là nguồn tham khảo quan trọng cho quyết định mua của khách hàng.
Mặt khác những chia sẻ về sản phẩm của khách hàng trước, KOL, KOC trên mạng xã hội cũng sẽ tạo ra hiệu ứng thúc đẩy hành vi mua hàng vì không muốn bỏ qua những thứ mà người khác ai cũng có.
Nếu làm tốt điều này sẽ có thể tạo thành hiện tượng, trend mua và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Coolmate đã thuê Jvevermind unbox sản phẩm với mức chi phí là 100 triệu đồng. Trong vài ngày doanh số bán của cửa hàng đã bù đủ cho chi phí thuê KOL. Sau 1 tháng doanh thu Coolmate mang về tăng gấp vài lần. Bài học rút ra là phải lựa chọn đúng KOL để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, KOL còn có thể đem lại sức bật mạnh mẽ về thương hiệu.
Tạo sự cạnh tranh
Bằng việc sử dụng các Pop-up như “Nhiều người quan tâm”, “Trong giỏ hàng của nhiều người”, hiển thị người đang mua, Fomo Marketing đánh vào tâm lý cạnh tranh không muốn mình là người chậm chân không giành được sản phẩm.
Đồng thời cũng có nhiều pop-up nhấn mạnh cơ hội đã bị bỏ lỡ. Ví dụ như Agoda cũng sử dụng những cụm từ như “Bạn vừa bỏ lỡ mất rồi” để thu hút sự chú ý của mọi người.
Khi đó khách hàng sẽ thấy họ vừa bỏ lỡ mất cơ hội nào đó và bắt đầu trở nên lo lắng. Điều này sẽ khuyến khích khách hàng ra quyết định nhanh chóng hơn vào những lần mua tiếp theo.
Fomo nâng cao sức ảnh hưởng trong thời đại công nghệ
Nhà đầu tư Patrick J. McGinnis đã đặt ra thuật ngữ FOMO lần đầu tiên năm 2014 trong một bài viết mà ông thực hiện lúc còn học ở trường Harvard. FOMO sau đó đã trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu cho đến ngày hôm nay.
Theo Patrick J. McGinnis, có 3 yếu tố đã thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ, tiếp nhận thông tin và gia tăng tâm lý FOMO: nguồn thông tin vô hạn, tính kết nối, cảm giác so sánh bản thân với người khác.
Nguồn thông tin vô hạn
Internet và các thiết bị điện tử di động đã cho con người quyền năng tiếp cận với nguồn thông tin vô hạn. Chỉ cần những cú nhấp chuột mọi sự kiện diễn ra trên khắp thế giới đều được cập nhập trong tích tắc.
Thuật toán của các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube,… cho phép chọn lọc những thông tin người dùng quan tâm và với số lượng vô hạn. Cũng vì thế mà chúng ta có thể lướt mạng xã hội cả ngày không chán, và quan trọng hơn hết là chúng gây nghiện.
Số giờ sử dụng càng tăng, người dùng càng phụ thuộc vào những công nghệ này. Ta từ việc chọn công nghệ là nơi giải trí đi đến chỗ không thể sống thiếu nó. Chắc hẳn rất nhiều người trải qua cảm giác căng thẳng, bồn chồn khi không thể kiểm tra thông báo điện thoại và cảm thấy buồn chán, bất an nếu thiếu các thiết bị di động dù chỉ một ngày.
Tuy nhiên, nhiều nội dung, thông tin trên các nền tảng online không được kiểm duyệt, kiểm chứng, do đó dễ khiến người nhận tin nếu không chọn lọc dễ bị có cái nhìn phiến diện, thậm chí bị thao túng, đánh lừa.
Khả năng kết nối
Lượng thông tin khổng lồ và khả năng kết nối đưa con người lún sâu vào thế giới ảo. Kết nối là một trong những chức năng cơ bản của các mạng xã hội. Ví dụ sứ mệnh của Facebook là “Trao quyền để con người xây dựng cộng đồng và đem thế giới lại gần nhau hơn”. Ở đây ta vừa là nhân vật chính, vừa là khán giả của người khác.
Theo một khảo sát của trang tin Mashable cho biết, 56% người dùng sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ nhiều sự kiện, tin tức, và trạng thái của bạn bè khi không sử dụng mạng xã hội. Con số này thật sự mang nhiều ý nghĩa nếu chúng ta biết số lượng sử dụng Facebook tính đến năm 2022 là gần 3 tỷ người.
Những story, những status, những bức hình check in,… là những cầu nối để mọi người cập nhật về tình trạng của họ với bạn bè hoặc là cuộc sống mà họ muốn người khác thấy. Nhiều người có xu hướng sống trên mạng xã hội ảo nhiều hơn là trong cuộc đời thật.
Từ nguồn thông tin sẵn có và khả năng kết nối tức thời, chúng ta có yếu tố ảnh hưởng thứ 3, đỉnh điểm và là mối nguy lớn nhất của tâm lý FOMO.
Cảm giác so sánh bản thân với người khác
Lướt mạng xã hội toàn những hình ảnh check-in du lịch thú vị, nhà hàng sang trọng, áo hiệu, xe xịn,… thì không ai trong chúng ta không khỏi ghen tị. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn so sánh mình với những cá nhân khác.
Trong khi mình vẫn dùng iphone 7 còn bạn bè quay clip đập hộp iphone 14, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy vô cùng xấu hổ và tủi thân. Khi đó, dù sản phẩm đang dùng có tốt đến đâu thì trong bạn cũng vô tình khơi lên một thôi thúc nâng cấp chúng để cho bằng bạn bằng bè.
Cảm giác thua sút so với người khác và cố gắng theo đuổi tiêu chuẩn của họ sẽ khiến bạn bỏ mặc giá trị của bản thân. Ai cũng có những ước mơ riêng, tại sao bạn lại lấy tiêu chuẩn của người khác để làm mục tiêu cho cho mình?
FOMO không vô phương cứu chữa
Chấp nhận hiệu ứng FOMO
Khi thừa nhận mình lo lắng về việc bỏ lỡ những thứ vui vẻ đang xảy ra trên mạng có nghĩa là bạn đã thừa nhận sự bất an của mình và sẵn sàng bắt đầu đối mặt với vấn đề.
Ảnh hưởng từ xã hội là rất lớn sẽ không dễ mất đi. Nhưng nếu bạn có thể nhận ra rằng những ảnh hưởng này, bạn sẽ có ý thức trước hơn trước mỗi quyết định mua. Hãy đặt câu hỏi cho bản thân có thực sự cần món đồ đó không trước khi cho nó vào giỏ hàng nhé!
Tập trung vào bản thân
Lựa chọn những gì bạn thực sự cần bao gồm việc biết điều gì quan trọng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu và sau đó lập kế hoạch để đạt được những thứ đó. Khi chúng ta có thể dành thời gian tập trung vào những gì “cần” làm thay vì những điều mình “muốn” làm, ta sẽ vận hành cuộc sống với niềm tin rằng mình đang làm những điều đúng đắn.
Tập trung vào con đường phát triển bản thân thay vì nhìn ngó, so sánh với người khác. Mỗi người có một mục tiêu riêng và thời điểm “nở hoa” khác nhau, bạn nên vượt qua chính mình thay vì so đua với những người xung quanh
Bình thường hóa việc bản thân “lạc hậu”
Bạn có thể bỏ qua những thông tin về cuộc đi chơi, ăn uống hay du lịch mà vẫn vui vẻ chứ không hề lạc hậu hay quê mùa. Thật ra, bạn sẽ càng hạnh phúc hơn nếu làm những gì mình thích thay vì mải theo dõi cuộc sống của người khác.
Hạn chế sự ảnh hưởng của mạng xã hội
Nếu bạn đang cần hoàn thành một công việc quan trọng, hãy tập trung làm việc đó trong vòng một khoảng thời gian nhất định trước khi đụng đến điện thoại hay mở trang Facebook. Nếu bạn đang trong một buổi họp mặt với bạn bè, hãy tập trung vào cuộc trò chuyện và ngưng sử dụng Facebook trong khoảng nửa tiếng.
Tìm kiếm những thú vui, giải trí khác ngoài mạng xã hội, giảm thời gian online và sự phụ thuộc vào đó. Bạn sẽ nhận ra cuộc sống có nhiều niềm vui và điều tốt đẹp bạn đã quên mất vì dán mặt vào màn hình.
Gợi ý những cuốn sách giúp bạn chi tiêu thông minh và quản lý tài chính cá nhân tốt hơn:
- “Người giàu có nhất thành Babylon” giảm 25%
- “Tâm lý học về tiền” giảm 30%
- “Kỹ năng quản lý tài chính trong 30 ngày” giảm 30%
Đọc thêm: