Trang chủTin tứcMất 12 năm để ngành xuất bản tăng thêm 3 bản sách/người/năm

Mất 12 năm để ngành xuất bản tăng thêm 3 bản sách/người/năm

Năm 2022, lần đầu tiên ngành xuất bản đạt 6,02 bản sách/người/năm, nhưng hơn một nửa trong đó là sách giáo khoa!

Các thông tin này vừa được đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức vào sáng 17-2 tại TP.HCM. Như vậy, mất 12 năm chúng ta mới nhích từ con số 3,02 bản sách/người/năm (vào năm 2010) lên 6,02 sách/người/năm (năm 2022).

nhà xuất bản đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng

Theo báo cáo từ ông Nguyễn Nguyên – cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022 tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994,09 tỉ đồng, nộp ngân sách 414,842 tỉ đồng và lợi nhuận (sau thuế) đạt 429,483 tỉ đồng.

Trong đó, có 5 nhà xuất bản đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng, 3 nhà xuất bản có doanh thu trong khoảng 50 – 100 tỉ đồng, 27 nhà xuất bản có doanh thu dưới 10 tỉ đồng và 6 nhà xuất bản có doanh thu dưới 1 tỉ đồng.

Mất 12 năm để ngành xuất bản tăng thêm 3 bản sách/người/năm
Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023

Đây cũng là lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/người/năm. Đó là mục tiêu mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành xuất bản từ năm 2010 nhưng không thể thực hiện được trong nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng tỏ ra lo lắng khi tỉ lệ 6,02 bản sách/người/năm nhưng trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập; chỉ có 2,98 bản là các loại sách khác.

Một số cuốn sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay được đã tái bản nhiều lần, in hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Đắc nhân tâm (750.500 bản), Trên đường băng (590.000 bản), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (410.000 bản), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (331.000 bản), Mắt biếc (299.000 bản), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (365.000 bản), Đọc vị bất kỳ ai: Để không bị lừa dối và lợi dụng (205.200 bản).

Mặt khác, tuy có sự tăng trưởng mạnh về năng lực sản xuất nhưng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa tương xứng. Mức vốn của phần lớn các nhà xuất bản còn thấp, thậm chí một số nhà xuất bản còn không có vốn, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

“Câu chuyện bảo vệ thị trường sách, câu chuyện đấu tranh chống in lậu phải được coi là câu chuyện trọng tâm không chỉ của cơ quan quản lý mà là câu chuyện của cả ngành chúng ta. Phải coi câu chuyện này là câu chuyện sống còn của nhà xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên kết luận.

Khi người làm sách kết nối chặt chẽ với bạn đọc

Nạn sách giả, sách lậu là “khó khăn chung của ngành xuất bản bao năm qua vẫn chưa giải quyết được”, theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên – phó giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản Kim Đồng, khiến nhà xuất bản không dám đặt mục tiêu năm nay có thể đạt hay vượt doanh thu của năm trước.

Từ một đơn vị xuất bản có doanh thu chỉ đứng sau nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, bà Quỳnh Liên chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Doanh thu đột phá năm qua của nhà xuất bản Kim Đồng là một sự bất ngờ với chúng tôi.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó chúng tôi phỏng đoán có thể có nguyên nhân khách quan là do sau dịch bệnh mọi người đón nhận sách vở mạnh mẽ hơn.

Ngoài lý do khách quan thì tất nhiên cũng có nhiều nỗ lực từ phía nhà xuất bản. Năm qua chúng tôi có những bộ tranh truyện có một số đề tài đón đúng thị hiếu bạn đọc trẻ nên được đón nhận.

Đội ngũ trẻ của chúng tôi khá nhanh nhạy trong việc tìm đề tài, đặc biệt trong mảng tranh truyện, do các bạn chăm trao đổi, chia sẻ với bạn đọc qua nhiều kênh, nhiều diễn đàn. Nhà xuất bản cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện đọc sách, ra mắt sách, giao lưu với bạn đọc, tham gia nhiều các sự kiện về sách và thúc đẩy văn hóa đọc…

Nói chung là những việc giúp kết nối chặt chẽ với bạn đọc thì chúng tôi đều chịu khó làm. Ngoài ra, Kim Đồng nhờ bề dày phát triển, trường vốn nên có thể làm tốt việc đầu tư cho tác giả, tìm kiếm sản phẩm tốt”.

Mất 12 năm để ngành xuất bản tăng thêm 3 bản sách/người/năm
Phiên chợ sách thúc đẩy văn hóa đọc.

Trong ý hướng thúc đẩy thị trường xuất bản và văn hóa đọc, bà Đào Thị Phương Thu – trưởng phòng truyền thông Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam – cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ cách người làm sách “đến gần bạn đọc” thông qua những sự kiện giao lưu ra mắt sách, các hội sách và đặc biệt là mạng xã hội.

“Nhã Nam mất 5 năm xây dựng để có được cộng đồng cùng nhau đọc sách là “Nhã Nam reading Club”.

Nơi đây không chỉ có những thông tin một chiều từ Nhã Nam “giội” xuống bạn đọc, mà các độc giả có thể chia sẻ trải nghiệm với sách vở – từ giới thiệu, nhận xét về cuốn sách mình đọc, trao đổi cách bảo quản sách đến cách ghi nhớ nội dung hiệu quả.

Thậm chí từ group này còn có một số bạn gợi ý đầu sách hay cho Nhã Nam mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam. Nói chung đây là một kênh rất hiệu quả để Nhã Nam đến gần với bạn đọc.

Trên group này, những thông tin về sách vở được lan tỏa tự nhiên, các thông tin về sách vở được chia sẻ giữa độc giả với nhau tạo ra môi trường cho cảm giác tin cậy hơn, thu hút hơn”, bà Phương Thu nói.

Theo Báo Tuổi trẻ
RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI