Sự hồi sinh của Cổ Phục Việt Nam trong thời hiện đại
Thời gian gần đây, khi nhắc về trang phục truyền thống, chúng ta không chỉ còn nhắc đến áo dài. Những bộ Nhật Bình, Áo Tấc, Tứ thân,… đang dần trở nên gần gũi hơn giới trẻ, như trở thành trang phục ngày cưới, trang phục chủ đề kỷ yếu,… Điều này là một dấu hiệu tốt chứng minh giới trẻ đã có sự quan tâm nhất định đến văn hóa truyền thống nói chung và Cổ phục Việt Nam nói riêng.
Rất nhiều hội nhóm trên Facebook có nội dung bàn luận về trang phục truyền thống như Hội Việt Phục, Việt Đại Cổ phong,… thu hút hàng ngàn thành viên tham gia. Nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với Cổ phục cũng xây dựng các thương hiệu cách tân trang phục truyền thống để chúng được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống hiện đại như V’Style – Việt Cổ phục Cách tân, Ỷ Vân Hiên.
Cùng với sự xuất hiện bùng nổ trong cộng đồng trẻ, Cổ phục Việt cũng được giới nghệ thuật quan tâm. Nhiều MV ca nhạc của những ca sĩ nổi tiếng như Hòa Minzy, Chi Pu, Đức Phúc,… có sự quan tâm của nhiều khán giả đã xây dựng rất chỉnh chu bối cảnh, tạo hình, trang phục trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Ca sỹ Hòa Minzy đầu tư tới 140 bộ trang phục trong MV lấy cảm hứng từ cuộc đời Hoàng hậu Phương Nam
Ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim “Quỳnh Hoa Nhất Dạ” bộ phim kể về cuộc đời của Thái hậu Dương Văn Nga được đầu tư trang phục hoành tráng. Hay “Phượng Khấu” bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam lấy bối cảnh thời Nguyễn cũng được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để tạo nên hơn 500 bộ cổ phục công phu và chăm chút đến từng đường kim mũi chỉ.
Bên cạnh đó đó, các tổ chức, nhóm nhóm phi lợi nhuận nhằm mục đích bảo tồn di sản cũng bắt tay vào thực hiện nhiều dự án tạo được tiếng vang lớn: S.River (biên soạn một cuốn sách cẩm nang về các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam), Nguyên Phong Đoạn Lĩnh (phỏng dựng lại trang phục xưa)…
Những cuốn sách nghiên cứu về Cổ phục Việt Nam qua các thời kỳ
Ngàn năm áo mũ – Trần Quang Đức
“Ngàn năm áo mũ” được nhắc đến như một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất, biên soạn kĩ nhất về đề tài khảo cứu về trang phục của người Việt Nam.
Với độ dài hơn 400 trang, cuốn sách giải thích các kiểu dáng và quy chế các loại trang phục được sử dụng trong dân gian và cung đình Việt Nam trong một khoảng thời gian dài từ năm 1009-1945, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn.
Trong khi trang phục cung đình luôn có những quy định nghiêm ngặt cho từng chức vị, lễ nghi theo từng triều đại thì trang phục thường dân lại không có nhiều biến động, phổ biến là áo giao lĩnh, tứ nhân; đàn ông cởi trần, đóng khố, phụ nữ mặc yếm, váy. Ngoài ra sách còn giới thiệu các trang phục cổ truyền của các dân tộc 3 miền Bắc, Trung, Nam và những khía cạnh khác như hình xăm, kiểu tóc, hàm răng,…
Theo tác giả: “Ngàn năm áo mũ thể hiện một góc nhìn lịch sử, tư tưởng, mỹ thuật Việt Nam thông qua dòng chảy biến thiên của văn hóa trang phục; đồng thời làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa trang phục Việt Nam so với trang phục của các nước đồng văn, đặc biệt là Trung Quốc”.
Đến nay, “Ngàn năm áo mũ” đã được tái bản nhiều lần và vẫn luôn là công trình kinh điển trong nghiên cứu trang phục Việt.
Dệt nên triều đại – Vietnam Centre
“Dệt nên triều đại” là sản phẩm thuộc tổ chức Vietnam Centre – bao gồm những bạn trẻ Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nằm trong dự án nhằm quảng bá văn hóa truyền thống. Tác phẩm là tập hợp những nghiên cứu về nghi lễ và phục dựng trang phục cung đình của Đại Việt thời Lê Sơ (1437-1471).
Cuốn sách ra đời với mong muốn cung cấp tư liệu xuất bản chính xác cho các tác giả xây dựng các tác phẩm cổ trang như nhà làm phim, họa sĩ truyện tranh, nghệ sĩ nhiếp ảnh, người yêu thích văn hóa lịch sử dân tộc.
Sách sẽ gồm các khảo cứu, các hình vẽ mô tả chi tiết về cách thức, cấu tạo hình, cấu trúc, chất liệu của các bộ trang phục. Ngoài ra, sách còn cung cấp những hình chụp mà nhóm tác giả đã phỏng dựng trong suốt 1 năm thực hiện dự án. Cuốn sách được viết bằng 2 ngôn ngữ Việt – Anh để dễ dàng lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Áo dài Lemur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay – Phạm Thảo Nguyên
Cuốn sách viết về sự hình thành, bối cảnh lịch sử cũng như tiểu sử của họa sĩ Cát Tường – người đã thiết kế chiếc áo dài Lemur, tạo ra cuộc cách mạng trong trang phục phụ nữ Việt Nam.
“Áo dài Lemur và bối cảnh Phong hóa & Ngày nay” mang đến cái nhìn cận cảnh về thẩm mỹ, văn hóa, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 qua hành trình họa sĩ Cát Tường tạo ra chiếc áo dài cách tân Lemur, mở rộng thị trường áo dài và lan tỏa một làn sóng thẩm mỹ hiện đại mới.
Với những bài đăng trên báo “Phong hóa” những năm 30, Nguyễn Cát Tường đã tạo nên một một cuộc cách tân về trang phục người phụ nữ. Từ rộng thùng thình, tối màu để nhằm đạt sự “an toàn về mặt đạo đức”, đến vừa vặn, nhiều kiểu dáng, thể hiện cá tính người mặc. Đây được coi là cuộc cách mạng của tư duy thẩm mỹ, giúp người phụ nữ phá bỏ định kiến cổ hủ và được thể hiện bản thân.
Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng nhận xét cuốn sách như một cuốn sử học về sự phát triển của áo dài trong một giai đoạn lịch sử.
Đọc thêm:
Top 5 cuốn sách về ngày Tết giúp bạn thêm hiểu và yêu văn hóa dân tộc
Thông tin hay quá, mình sẽ mua mấy cuốn này