Những trang hồi ức của người lính Trung đoàn 567 về chiến tranh biên giới phía Bắc được đưa ra thảo luận trở lại nhân dịp 44 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung (17/02/1979-17/02/2023).
“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long – bác sĩ quân y thuộc trung đoàn 567, đơn vị trực tiếp tham gia và chiến tranh biên giới năm 1979. Ông ấp ủ viết sách từ năm 2012 nhưng đến lần gặp bạn bè năm 2018, ông mới có thêm nhiều chất liệu. Năm 2019, sau dịp tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, ông bắt đầu đăng những bài viết nhỏ lên trang cá nhân. Được sự động viên của nhiều đồng đội, ông tập hợp thành bản thảo, đặt tên Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, nói về những người lính ở đèo Khau Chỉa (Cao Bằng).
Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng trên biên giới Việt – Trung khoảng hơn mười cây số. Án ngữ trên quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng, rồi từ đó tiến sâu vào nội địa Việt Nam. Đèo Khau Chỉa trở thành một tuyến phòng ngự quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Đèo Khau Chỉa vì thế là chứng tích không phai ghi dấu những chiến công cùng sự hy sinh oanh liệt của những người lính và nhân dân tỉnh Cao Bằng mùa xuân hơn 40 năm trước.
Rạng sáng ngày 17/2, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía Đông tỉnh Cao Bằng. Ký ức về những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man,… được ông Nguyễn Thái Long, khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa – Khau Chỉa) kể lại. Hình ảnh bố Hoan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vẩy những phát súng ngắn, chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch. Hình ảnh pháo thủ Hồ Tuấn đạp cò khẩu 14 ly 5 đỏ rực nòng súng khiến địch ôm đầu tháo chạy. Những trận mai phục tài tình khiến địch hoảng hồn khiếp vía, những chiến thuật đánh trả mưu trí gây thiệt hại lớn cho địch và cả những cuộc “giáp lá cà” tàn khốc, tất cả đều được khắc họa một cách rõ nét và sống động.
Sau những ngày khói lửa ở Khau Chỉa, Trung đoàn 567 tiếp tục hành quân và chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang), nơi được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ”. Suốt tám tháng trời trong năm 1985, cuộc chiến diễn ra dưới trận mưa đạn pháo dữ dội của địch khiến núi đá nơi đây bị cày xới, xay vụn thành một “lò vôi” nham nhở, khốc liệt. Những trận giành giật ác liệt ở đồi A6b, đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy Đá Pháp. Hình ảnh người Đại đội trưởng Phạm Xuân Giao hết đường tiếp tế phải tự uống nước tiểu cho đỡ cảm giác cháy xè trên đôi môi khô khốc phồng rộp rồi hy sinh ngay trong hầm chiến đấu là một biểu tượng cho “lời thề trên đá” của những người lính ở Vị Xuyên.
Ký ức về cuộc chiến tranh 44 năm về trước trong tâm trí tác giả Nguyễn Thái Long không chỉ chát chúa tiếng súng đạn, mà còn đầy vẻ bình yên và thơ mộng của non nước vùng biên. Rải rác trong toàn bộ cuốn sách là những hình ảnh mềm mại, những trang văn thiết tha cảm xúc trữ tình. Đó là vẻ đẹp khó cưỡng của hoa dã quỳ một sáng mùa thu nở bừng sắc vàng rực rỡ, là những bụi cỏ tranh sắc lẹm mọc trên khô cằn sỏi đá, thân mảnh mai nhưng kiên cường trong mưa sa gió táp, là những đêm đông ấm sực bên bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc.
Thậm chí ngay giữa cái ớn lạnh trong cuộc phá vây vượt đường số 4 luôn luôn rình rập bị địch phục kích, tác giả vẫn kịp mềm lòng “khi nhìn thấy những cánh hoa đào nở muộn bên suối lung linh trong ánh nắng sớm mai”.
Mua sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” giảm 20% tại đây
Tác giả Nguyễn Thái Long chuyển ngành năm 1987, trở thành một bác sĩ tâm lý, rồi làm giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông cho biết, khi chuyển ngành, có nhiều đồng đội bị ảnh hưởng tâm lý vì cuộc chiến biên giới đến tìm ông. Ngay bản thân ông cũng có hội chứng hậu chiến tranh. “Biểu hiện là sự ám ảnh, lúc nào cũng nhớ cũng nghĩ đến chuyện chiến tranh thậm chí nhiều đêm không ngủ. Chúng tôi hiểu hội chứng đó nhiều khi còn hơn các vết thương thực tế. Vết thương đó nằm trong tâm trí, trong tư duy, trong tình cảm”, ông Long cho biết.
Tác giả Nguyễn Thái Long muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội mình, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế của một người trong cuộc dạt dào cảm xúc: Nỗi nhớ thương đồng đội, nỗi căm phẫn quân thù, niềm đau đáu của người ở lại,… Từ góc độ này, cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa có khả năng chạm đến cảm xúc của người đọc một cách trực diện, và vì thế có một ý nghĩa đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về cuộc chiến của thế hệ cha anh.
“Cuốn sách được ra đời từ ý tưởng của cuộc gặp mặt những người đồng đội năm xưa nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc để không ai và không có gì có thể bị lãng quên của cuộc chiến ”- tác giả Nguyễn Thái Long chia sẻ.
Cuốn sách đã đáp ứng một phần nào nguyện vọng cháy bỏng của các cựu chiến binh và nhân dân, nhất là đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc được nói lên sự thật tàn khốc của cuộc chiến, để ghi ơn những hy sinh to lớn của các chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống.
Tổng hợp
Đọc thêm: