Theo văn hóa Việt, ngày Tết là ngày lễ mang ý nghĩa tâm linh lớn. Bên cạnh những phong tục với mong muốn mang lại may mắn, người xưa còn truyền tai nhau những điều kiêng kỵ trong ngày Tết để tránh gặp những điều xui xẻo.
1. Không quét nhà, đổ rác vào ngày Tết
Theo quan niệm của cha ông từ nhiều đời nay, việc quét nhà và đổ rác trong 3 ngày Tết mùng 1, 2, 3 sẽ khiến cho tài lộc, may mắn trong nhà bay đi hết. Vì vậy, các gia đình thường lau dọn, tẩy uế nhà cửa trước Tết vừa để dọn dẹp đi chuyện không may của năm cũ, vừa để 3 ngày Tết không phải dọn dẹp nhiều.
Khi buộc phải quét dọn, người Việt thường quét rác bẩn vào một góc, chờ hết 3 ngày Tết hoặc cúng ra Tết thì mới mang ra ngoài.
2. Tránh làm đổ vỡ đồ vật
Người Việt quan niệm rằng việc đồ đạc trong nhà bị đổ vỡ, sứt mẻ trong những ngày đầu năm là một dấu hiệu của “vận xui”. Khi đó, điều những điều không hay có thể sắp xảy tới.
Vì vậy, trong văn hóa Việt rất kiêng kị việc làm bể vỡ đồ ngày Tết, đặc biệt là chén, bát, gương,…
3. Không vay mượn hay đòi nợ
Một trong những việc kiêng kỵ trong đầu năm mới là cho vay hoặc đòi nợ. Việc bị đòi nợ đầu năm sẽ báo hiệu cho một năm túng thiếu, nợ nần, không thu hút được tài lộc.
Ngược lại, việc cho vay tiền những ngày Tết theo quan niệm dân gian là sẽ không giữ được của, dâng tiền cho người khác.
4. Tránh cãi vã, xung đột
Những ngày Tết là dịp gia đình sum vầy, không khí đầm ấm, yêu thương bao trùm sẽ thu hút nhiều may mắn, tài lộc. Nếu không giữ được hòa khí, xảy ra tranh cãi sẽ khiến cho cả năm không được yên ấm, thuận hòa.
Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng để duy trì sự yên ấm của của gia đình trong những ngày đầu năm, nên lựa chọn thời điểm và cách thức thích hợp để giải quyết vấn đề.
5. Không cắt tóc, cách móng tay
Theo quan niệm người xưa, tóc, móng là những thứ gắn liền với con người và đại diện cho sức khỏe. Do đó, cắt tóc, móng tay là điều kiêng kỵ vào ngày Tết hay những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng vì sẽ cắt đi vận hay và gặp các vấn đề về sức khỏe.
6. Không mặc quần áo màu đen, trắng
Dân gian cho rằng màu đen và trắng là hai màu tang tóc, không may mắn, nên tránh mặc vào ngày Tết. Thay vào đó, nên mặc những màu sắc rực rỡ để thu hút may mắn như đỏ, vàng,…
Tuy nhiên, hai màu đen và trắng ngày càng được ưa chuộng bởi sự đơn giản, dễ phối đồ. Vì vậy, tập tục này đang dần mai một.
7. Không khóc lóc, buồn tủi
Theo quan niệm văn hóa, Giao thừa và Tết là thời điểm trời đất giao hòa, bắt đầu một chu kỳ mới vì vậy rất nhiều năng lượng tỏa ra. Năng lượng của chúng ta như thế nào sẽ thu hút những năm lượng tương ứng.
Nếu bầu không khí trong gia đình vui vẻ, đầm ấm sẽ hấp dẫn những năng lượng may mắn, tích cực. Ngược lại, việc khóc lóc và buồn tủi sẽ thu hút rất những năng lượng tiêu cực, những điều không may.
8. Kiêng ăn một số món
Bên cạnh nhiều món ăn phổ biến trên mâm cơm ngày Tết mang ý nghĩa sung túc, đầy đủ, may mắn thì có một số món ăn nên được kiêng kỵ vì được coi là mang đến vận xấu nên tránh như: chuối, mực, thịt chó, cá mè, tôm, trứng vịt lộn, thịt vịt,…
Riêng “chuối” thì do cách phát âm của người miền Nam mà chuối đọc thành “chúi” mang ý “chúi rủi” – làm mọi việc thất bại, đi xuống hoặc còn hiểu là trượt vỏ chuối nên người ta kiêng cữ.
Với người miền Bắc, ăn trứng vịt lộn ngày Tết hay ngày mùng 1 âm lịch sẽ khiến mọi việc đảo lộn không theo ý muốn, trong khi đó đây lại là món ăn giải xui phổ biến của người miền Nam.
9. Không đóng cửa nhà
Những ngày đầu năm, ngoài lúc đi chúc Tết thì không nên đóng cửa nhà. Vì theo quan niệm dân gian, ngày Tết là lúc các vị phúc thần dạo chơi và ban phát phước lành, tài lộc. Nếu cửa nhà bị đóng những phúc lộc này sẽ không thể đến với gia đình.
10. Kỵ tang ma
Theo quan niệm của người Việt, những gia đình đang có tang thì không nên đi chúc Tết mà chỉ nên đón khách ở nhà. Vì ông bà ta tin rằng những người có tang có thể mang đến xui xẻo và làm ảnh hưởng đến không khí chung ngày Tết.
Những quan niệm trên hầu hết xuất phát từ niềm tin của người dân được truyền miệng qua nhiều đời. Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cũng cho biết, mọi điều kiêng kỵ theo Phật giáo phần lớn là mê tín, Phật giáo không khích lệ hình thức đó.
Do đó, chúng ta nên chọn lọc những thói quen kiêng kỵ, tập quán sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, tránh để niềm tin mù quáng làm ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Đọc thêm: