Trang chủReviewsReview sáchReview Thư của Higashio Keigo - song sắt của định kiến xã...

Review Thư của Higashio Keigo – song sắt của định kiến xã hội

“Thư” là một câu chuyện đau lòng, bi thương, là một áng văn trần trụi ngột ngạt ứa ra từ người tù sau song sắt. Không có nhiều kịch tính, bất ngờ, cũng không chồng chéo những tình tiết bí ẩn đang dần được khai phá, tác phẩm “Thư” chỉ đơn giản là một lát cắt của hiện thực, là hơi thở của cuộc sống được Keigo đưa lên qua từng con chữ.

Đôi nét về tác giả

Nhà văn Higashino Keigo sinh năm 1958 tại Osaka, Nhật Bản. Ông được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” Nhật Bản với sự cống hiến không ngừng những tác phẩm xuất sắc thể loại này. Keigo được biết đến rộng rãi với đọc giả Việt Nam qua các tác phẩm trinh thám như Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko,…

Có thể nói, Higashio Keigo là một cây bút tài hoa của nền văn học Nhật Bản khi không chỉ trinh thám mà ngay cả với những thể loại như tiểu thuyết kỳ ảo, tiểu thuyết tâm lý xã hội, ông cũng vẫn dễ dàng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. 

Ngòi bút của ông đã khai thác một cách sâu sắc, tỉ mỉ những diễn biến tâm lý của nhân vật, và đã phối hợp chúng thật hài hòa, khéo léo với những thay đổi về không gian, thời gian để tạo nên một câu chuyện lay động đến tận trái tim độc giả.  

Thư - Higashino Keigo
Một số tác phẩm nổi tiếng của Higashino Keigo.

Tóm tắt nội dung “Thư”

“Thư” mở đầu với một vụ giết người cướp của. Trong cơn tuyệt vọng, vì muốn có tiền cho em trai học đại học, Takeshima Tsuyoshi đã đột nhập vào nhà bà Ogata với ý định lấy một ít tiền rồi rơi đi. Tuy nhiên, khi sắp đạt được mục đích thì bà Ogata lại bất ngờ xuất hiện. Trong lúc xảy ra giằng co, tranh cãi, vì nỗi sợ lấn át Tsuyoshi đã xuống tay với bà Ogata khiến bà tử vong tại chỗ.

Bản án mà anh nhận được là 15 năm tù giam. Những trang đầu tiên, “Thư” tưởng chừng giống như những cuốn trinh thám khác của Keigo, vốn luôn là sở trường của ông. Nhưng những chương tiếp theo đó, tính xã hội lại càng hiện rõ hơn khi ông chọn cách khai thác cuộc sống của Naoki – đứa em trai đang vật lộn với cuộc sống ngoài xã hội.

Trong khi Tsuyoshi đang phải chịu bản án phía sau song sắt nhà tù vì tội cướp của giết người. Thì anh đâu biết rằng, ở ngoài kia, em trai mình – Naoki cũng đang bị giam hãm phía sau song sắt vô hình mang tên “định kiến xã hội”. 

Bản án vô hình

Tsuyoshi bị bắt vào nhà giam lúc Naoki chỉ mới học cấp 3. Cuộc sống của 2 anh em trước giờ vẫn luôn nương tựa vào nhau bởi bố mẹ mất sớm, Tsuyoshi phải đi làm để nuôi em ăn học. Tình cảnh càng khốn khó hơn, khi anh trai bị bắt, Naoki phải vừa kiếm sống vừa đi học. Nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu cho những chuỗi ngày cô độc, bị xã hội kỳ thị và xa lánh của Naoki. Quan hệ máu mủ với một kẻ giết người chính là song sắt cô lập Naoki khỏi xã hội này. Một “bản án” vô hình cứ từng chút, từng chút một phá hủy cuộc đời của anh, khiến cuộc đời của anh chỉ như một đường hầm tăm tối, cố mò mầm mãi để tìm lối ra nhưng đâu ngờ đường hầm đó lại ngày càng dẫn đưa cuộc đời anh vào những đau thương và bi thảm tột cùng.

Mỗi chúng ta đều sống mà không thể chối bỏ tình máu mủ, nhưng cũng không thể sống mà tách biệt với xã hội. Thế mà mỗi ngày sống của Naoki là mỗi ngày mà nội tâm anh phải đấu tranh kịch liệt giữa việc lựa chọn tình máu mủ và cái nhìn của xã hội. Bởi lẽ, lý lịch với dòng chữ “em trai của kẻ cướp của giết người” chẳng khác nào một bản án đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của anh. Tất cả những thứ Naoki nhận lại là những ánh nhìn đầy kỳ thị, phán xét và có cả thương hại. Cùng với đó là lúc anh học được cách từ bỏ: Từ bỏ ước mơ học đại học, từ bỏ đam mê âm nhạc, từ bỏ người anh yêu nhất, từ bỏ công việc tốt hơn,…

Bi thảm nhất có lẽ là những bức thư hỏi thăm của người anh Tsuyoshi gửi cho Naoki. Những bức thư đó là minh chứng, là sự nhắc nhở dành cho Naoki về tội ác mà anh mình gây ra, về định kiến xã hội mà mình phải hứng chịu. Và càng cay đắng hơn khi mỗi lần anh vùng vẫy thoát khỏi hiện thực tàn khốc, chối bỏ quá khứ, chính những bức thư lại là thứ kéo anh lại với thực tại và vô tình phá hủy tất cả cuộc sống của anh.

Thư - Higashino Keigo

Kiên cường trong sóng gió

Nhân vật Naoki là một nhân vật khiến cho người đọc phải nhiều lần cảm phục bởi sự kiên cường của anh ấy. Dù cho phải trải qua những bất công khổ cực, nhưng anh cũng không hề biến chất, bước đi trên con đường tội lỗi mà ngược lại, anh luôn muốn nỗ lực để chứng minh cho mọi người thấy và công nhận mình, tuy điều đó không phải lúc nào cũng thành công.

Và có lẽ, Naoki cũng thật may mắn, khi đến cuối cùng, bên cạnh anh vẫn có những người bạn, những người đồng cảm và sẵn sàng đồng hành cùng anh để vượt qua quá khứ đau khổ, tăm tối ấy. 

Đó là Yusuke – một nhân vật chính trực, vô cùng nghĩa khí, là người đã khơi dậy niềm đam mê ca hát của Naoki và giúp anh thực hiện ước mơ ấy. Trong giây phút chia tay, chỉ có anh vẫn luôn là người dõi theo bước chân rời đi của Naoki, là người ủng hộ và là người bạn duy nhất bên cạnh anh. 

Đó là Yumiko – một cô gái kỳ lạ, luôn đi theo Naoki và là “quân sư” cho anh mỗi khi anh phải đưa ra một quyết định nào đó. Có lẽ, từ đầu cô đã luôn có tình cảm với anh, nhưng cô vẫn ủng hộ anh kết hôn với cô gái anh yêu. Cho đến cuối cùng, Naoki nhận ra rằng, Yumiko, người cũng có quá khứ đau thương như mình, mới chính là người phù hợp nhất để chia sẻ với anh quãng đời khó khăn còn lại. Tình yêu có lẽ là thế, hơn cả những rung động về mặt cảm xúc, ta vẫn luôn cần một người đồng điệu với ta về mặt tâm hồn, chấp nhận những khía cạnh xấu xí nhất, chấp nhận đồng hành cùng ta trên mọi con đường gian nan phía trước.

Ngoài những nhân vật chính kể trên, thì các nhân vật khác như ông chủ tiệm cơm, thầy giáo, vị chủ tịch,…tuy có thời lượng xuất hiện rất ít, song họ đều để lại những dư vị khó quên cho cả Naoki và người đọc.

Thư, không chỉ là tựa đề của tác phẩm, mà đó còn là cách thức liên lạc duy nhất giữa Naoki và người anh trai đang ở trong tù của mình. Và có lẽ, chính những lá thư ấy cũng là cách duy nhất để Tsuyoshi chứng minh anh ấy tồn tại với thế giới ngoài kia. Là sợi dây liên kết giữa anh và người em trai duy nhất của mình. 

Sẽ có đôi lần, chúng ta cho rằng, những lá thư ấy của Tsuyoshi thật ích kỷ, khi anh vẫn không ngừng làm phiền người em của mình bằng những điều không đâu. Nhưng cũng qua những lá thư, ta có thể cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của Tsuyoshi với Naoki, tấm lòng háo hức của anh mong chờ đến từng tháng để được viết thư gửi cho em trai mình.

“Naoki à, em khỏe không?”

Chỉ qua mỗi câu mở đầu bức thư, chúng ta đã nhận thấy được sự quan tâm và tình yêu thương vô điều kiện mà Tsuyoshi dành cho em trai mình.

Xong, hiện thực lúc nào cũng luôn thật tàn nhẫn.

 

“Tội phạm bắt buộc phải nhận thức được chuyện này. Vấn đề không phải cứ vào tù là xong. Họ phải hiểu rằng sự trừng phạt không chỉ nhắm vào mỗi mình họ.”

Mua sách Thư giảm 18% tại đây

Định kiến xã hội hay bản năng tự vệ?

Từ khi vụ án của anh trai xảy ra, Naoki không thể còn là chính mình. Thay vào đó, mọi người thường nhớ đến anh với danh nghĩa là em trai của một kẻ sát nhân. Anh phải sống, sống để đối mặt với những định kiến đó trong mỗi cột mốc quan trọng của cuộc đời mình, và phải học cách từ bỏ mọi thứ, dù là những điều ý nghĩa nhất đối với cuộc đời anh. 

Và tất cả những bi kịch đó đều xuất phát từ việc anh là em trai, là người nhà của một kẻ sát nhân.

Những tình tiết ấy đã khiến mình tự hỏi rằng liệu điều đó có xứng đáng? Liệu hình phạt mà mọi người dành cho anh có thật sự xuất phát từ lý lẽ công lý hay là từ bản năng mỗi người? Bởi vì kẻ thủ ác đâu phải là anh.

Dường như hiểu được nỗi lòng của độc giả, Higashino Keigo đã gửi gắm lời giải đáp của mình qua một nhân vật tuy xuất hiện rất ít, nhưng lại làm mấu chốt cho những chuyển biến tâm lý sau này của nhân vật Naoki. Đó chính là cuộc đối thoại giữa anh và vị chủ tịch Hirano.

“ “Đương nhiên”, chủ tịch khẳng định. “Hầu hết mọi người đều muốn tránh xa những kẻ phạm tội. Dù là gián tiếp, họ cũng không muốn day dưa với bọn tội phạm, đặc biệt là hung thủ giết người cướp của. Bởi đôi khi chỉ hơi dính dáng một chút thôi cũng sẽ bị cuốn vào rắc rối trời ơi đất hỡi. Loại bỏ tội phạm và những người có liên quan là hành động đúng đắn. Hay có thể coi đó là bản năng tự vệ.”

“Cậu có căm ghét anh trai hay không là việc của cậu, nhưng căm ghét chúng tôi là không hợp lý. Nếu nói theo kiểu tàn nhẫn, chúng tôi buộc phải phân biệt đối xử với cậu, để tất cả tội phạm hiểu rằng chỉ vì mình phạm tội mà người thân phải chịu rất nhiều khổ sở.”

Vậy ra, thứ mà chúng ta luôn cho là định kiến thì đối với Keigo, ông lại xem đó như một bản năng tự vệ. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều không ai muốn bản thân mình phải dính vào rắc rối không đáng có. Những gì họ đang làm cũng chỉ là để bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân mình, cũng như cách mà Naoki muốn bảo vệ gia đình anh.

Nhân vật Hirano chính là người đại diện cho tất cả những người đã từng đối xử không công bằng, đã từng dùng con mắt định kiến để nhìn vào Naoki. Ông cất lên một tiếng nói, một lời giải thích cho mọi hành động của họ. Từ đây ta lại có thêm một góc nhìn khác, góc nhìn của những người ngoài cuộc. Nếu từ đầu câu chuyện, độc giả vẫn luôn đồng cảm, xót thương cho Naoki mà cảm thấy phẫn nộ trước cách mà người đời đã đối xử với anh, thì đến đây, ta lại một lần nữa dừng lại. Ta cần một khoảng lặng để tự trả lời cho câu hỏi: Nếu mình không phải là Naoki, mà là bất kỳ một ai khác thì mình sẽ đối xử với anh như thế nào?

Thư - Higashino Keigo

Câu chuyện này, có lẽ không ai đúng, không ai sai, cũng không có nhân vật phản diện nào cả. Tất cả họ chỉ đang là tấm gương phản chiếu lại một thế giới mập mờ, không thể phân định trắng đen rõ ràng, một thế giới vốn luôn không tồn tại sự công bằng.

Bài hát chủ đề trong “Thư” – “Imagine” của John Lennon, cũng là bài hát mà nhân vật Naoki yêu thích, đã xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Lời bài hát “Imagine” cũng chính là tiếng lòng của Naoki, là ước mơ của Higashino Keigo muốn mang đến với mọi người. Đó là ước mơ về một thế giới không còn sự bất công và sự phân biệt.

Đoạn kết mở trong Thư lại một lần nữa khiến độc giả phải thổn thức vì sau biết bao thăng trầm như thế, họ không biết rằng các nhân vật của chúng ta có thể hạnh phúc hay không? Đó là một câu hỏi mở mà ngay cả tác giả cũng không thể nào trả lời. Bởi nó phụ thuộc vào cách mà người đời nhìn nhận và đối xử với những con người có số phận như Naoki.

Nếu như “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là một câu chuyện dù đượm buồn nhưng mang đến cho người đọc một cảm giác an ủi, hạnh phúc thì “Thư” lại là một chuỗi những bi kịch liên tiếp kéo dài tới tận cùng của câu chuyện, khiến cho ngay cả khi đã khép lại trang sách, độc giả vẫn cứ mãi day dứt, ám ảnh về từng câu từng chữ mà Keigo đã đặt bút viết ra trong cuốn sách này. 

Đọc thêm:

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI