Trang chủReviewsReview máy đọc sáchReview máy đọc sách Kobo Sage và bút ghi chú: còn nhiều...

Review máy đọc sách Kobo Sage và bút ghi chú: còn nhiều điểm đáng tiếc

Kobo luôn nổi bật với những thiết bị có thông số kỹ thuật trên giá tiền. Với một mức giá khoảng 260$, Kobo Sage cho chúng ta một trải nghiệm thiết kế công thái học với nút bấm cùng màn hình rất lớn lên tới 8 inch, mật độ điểm ảnh 300ppi và có hỗ trợ đèn vàng. Chúng ta thậm chí còn có thể đầu tư thêm một cây bút cảm ứng với giá 40$ cho nhu cầu ghi chú. Vậy trải nghiệm trên Kobo Sage có thật sự đáng tiền, ngay bây giờ hãy cùng Bookmark khám phá.

1. Thiết kế

Kobo Sage chỉ có duy nhất một phiên bản màu đen, sử dụng chất liệu vỏ nhựa và Kobo thì luôn chăm chút, điệu đà trong ngôn ngữ thiết kế của mình. Chúng ta có thiết kế mặt trước hơi cong nhẹ phía báng cầm tương tự Kobo Libra 2 và máy cũng được làm mỏng dần về phía cạnh còn lại. Mặt lưng của máy làm với hoạ tiết sần, giúp tăng ma sát và cũng hạn chế được dấu vân tay. Phím nguồn của máy được đặt ở mặt lưng, cách đặt của phím nguồn này sẽ gây một chút khó khăn cho người dùng chưa quen với vị trí của phím bấm, người dùng có thể phải mò mẫm một chút mới tìm thấy phím nguồn khi đọc máy buổi tối.

8 inches là một kích thước màn hình tương đối lớn, vì vậy Kobo Sage cũng có một trọng lượng 240 gram, không hề nhẹ với một chiếc máy đọc sách. Ngoài ra, máy cũng có khả năng chống nước IPX8 sẽ đảm bảo hơn nếu chúng ta đọc trong phòng tắm, cạnh bể bơi hoặc di chuyển dưới trời mưa.

Với mình, Kobo Sage mang một thiết kế bắt mắt. Tại thị trường Việt Nam, Kobo Sage là chiếc máy 8 inches duy nhất tích hợp phím bấm chuyển trang ở thân máy, bên cạnh các sản phảm khác như Boox Nova Air 2 có phím chuyển trang trên bao da.

2. Màn hình

Màn hình của Kobo Sage có kích thước 8 inches được làm phẳng hoàn toàn, hỗ trợ đèn nền hai chế độ, sử dụng công nghệ loại E-Ink Carta 1200 mới nhất cho khả năng hiển thị sắc nét. Điểm nhấn lớn nhất của màn hình này chính là diện tích hiển thị được tăng lên 70% so với màn hình 6 inch và 30% so với màn hình 7 inch, trang sách trên Kobo Sage hiển thị được nhiều nội dung hơn. Đặc biệt đối với truyện tranh, Kobo Sage cho các ô truyện lớn vô cùng thích mắt.

Đèn nền trên Kobo Sage là loại hai chế độ, tuy nhiên không có khả năng điều chỉnh độ sáng tự động. Đèn nền này theo mình đánh giá cho khả năng phủ sáng đều, sẽ phải để ý rất kỹ mới phát hiện ra hiện tượng không đều màu nếu thiết lập đèn sáng ở mức tối đa.

kobo sage

Mức độ tương phản khi hiển thị nội dung của Sage khá tương đồng với Oasis 3, có thể nói là tốt hàng đầu do lớp nhựa ngoài cùng màn hình được ép khá sát với lớp hiển thị, gần như chúng ta không nhìn thấy khoảng trống hay khe hở giữa hai lớp màn hình này. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thiết bị không sở hữu kính phẳng như Kobo Clara 2e, Libra 2 hay Boox Leaf 2 thì độ tương phản chưa tốt bằng.

Ngoài ra, màn hình này còn hỗ trợ bút cảm ứng của Kobo. Kobo Stylus được bán rời, có giá 40$ và sử dụng pin, khác với loại bút trên Kindle Scribe.

3. Cấu hình của Kobo Sage

Kobo trang bị một vi xử lí bốn nhân tốc độ 1.8 GHz. Con chip này cũng xuất hiện trên Kobo Elipsa, có lẽ chủ yếu phục vụ cho khả năng ghi chú, đây cũng là con chip tiên tiến nhất được trang bị trên máy đọc sách của Kobo.

Tuy nhiên, trải nghiệm với các tính năng hay đơn thuần là điều hướng trong giao diện của Kobo Sage còn độ trễ tương đối lớn. Thỉnh thoảng, máy còn bị treo hoàn toàn và mình phải giữ phím nguồn để khởi động lại máy. Có lẽ đây là điểm yếu của Kobo Sage, nếu chúng ta cần thao tác mượt mà hơn thì Kindle theo mình sẽ có mức độ đáp ứng tốt hơn hẳn.

Về kết nối, máy trang bị Wifi để phục vụ đồng bộ, gửi ghi chú và tải sách Dropbox cũng như mua sách từ Store. Kobo Sage cũng sử dụng kết nối USB-C khiến chúng ta có thể sạc hoặc kết nối với máy tính.

4. Tính năng đọc sách

Kobo Sage hỗ trợ 15 định dạng file, trong đó có các định dạng phổ biến nhất là EPUB, MOBI và PDF cùng định dạng chuyện tranh CBZ. Như vậy hầu hết các định dạng ebook hiện nay thì Kobo Sage đều có thể mở được, tuy nhiên hiển thị sách tiếng Việt thì tới thời điểm mình sử dụng, Kobo Sage hoặc tất cả các máy khác của Kobo vẫn chưa hỗ trợ hiển thị tiêu đề sách tiếng Việt trong giao diện hệ thống và cả trong trang sách.

Để đọc được sách tiếng Việt, chúng ta buộc phải tải xuống một bản vá được cộng đồng dùng Kobo ở Việt Nam chia sẻ, cài đặt xong thì máy sẽ hiển thị font chữ tiếng Việt. Vấn đề này dù đã diễn ra từ lâu nhưng Kobo vẫn chưa có động thái để hỗ trợ người dùng Việt Nam, và do thị trường chúng ta cũng chưa có một cộng đồng người dùng đông đảo, có lẽ chúng ta cũng phải đợi khá lâu mới nhận được sự hỗ trợ chính thức.

Dĩ nhiên, việc cài đặt font chữ này sẽ có một vài điểm bất tiện, bởi sau mỗi lần cài đặt lại máy hoặc cập nhật phần mềm thì chúng ta đều phải cài đặt lại bản vá này.

Ưu điểm có thể kể đến của Kobo Sage chính là phần diện tích màn hình lớn cho phép hiển thị nhiều nội dung, đặc biệt là toàn bộ trang truyện tranh, độ tương phản và sắc nét phải nói là rất tốt. Máy cũng hỗ trợ tính năng Dark mode, khi đọc trong môi trường thiếu sáng có thể nhiều bạn thích tính năng này, mình thì ít sử dụng mà thường chỉ giảm độ sáng của máy thôi. Nhắc tới phím bấm chuyển trang, phần phím bấm này cũng đã cải thiện hơn so với Kobo Forma, cho độ nhạy và phản hồi tốt hơn. Máy cũng có tính năng hiển thị bìa sách đang đọc làm màn hình khoá thật sự rất đẹp nếu chúng ta để trên mặt bàn làm việc.

kobo sage

Nhược điểm của máy theo mình đến từ phần phím bấm chuyển trang của Kobo Sage đặt cách nhau quá xa, điều này khi mình đang sử dụng phím bấm chuyển trang tiếp sẽ rất khó tiếp cận tới phím bấm quay lại trang trước, thường mình sẽ phải co tay hoặc với tay hết cỡ. Ngoài ra, do máy có phần trọng lượng quá nặng nên nếu đọc sách trong tư thế nằm và dùng một tay giơ máy trước mặt, máy sẽ bị nghiêng xuống và như vậy chỉ cần 5 phút thôi chúng ta sẽ bị mỏi phần cổ tay.

Điểm này có lẽ chúng ta sẽ phải đánh đổi, vì muốn mỏng, nhẹ thì lời khuyên của mình là hãy tìm tới những máy có màn hình 6 hoặc 7 inch, kích thước 8 inch của Kobo Sage sẽ hạn chế tính di động của chiếc máy này và thực sự phù hợp nếu chúng ta có nhu cầu đọc truyện tranh, tài liệu có nhiều tranh, ảnh hoặc PDF.

 

Bên cạnh trình đọc mặc định, Kobo Sage hay tất cả các máy Kobo khác sẽ đều cài đặt được KoReader. Khi cài đặt KoReader thì các bạn sẽ sử dụng được một trình đọc hỗ trợ tất cả các định dạng file, đặc biệt sẽ có thêm những tính năng đặc hiệu dành cho file PDF như reflow, tự động cắt trang, v.v. Ngoài ra những tính năng khác của máy đều hoạt động trơn tru, tuy nhiên giao diện có vẻ chưa được trau chuốt và có phần hơi rối do có quá nhiều tính năng.

5. Tính năng ghi chú

Ghi chú trên Kobo Sage là một tính năng cực kì đặc biệt. Mình đã rất kỳ vọng tính năng này trên Kobo Sage, bởi đối với mình bút cảm ứng sẽ là món vũ khí vô cùng lợi hại để phát huy hết những tiềm năng của màn hình E-Ink, bởi nó cho phép chúng ta thực hiện ghi chú giống như trên giấy. Xét riêng vể cảm giác viết, đối với mình màn hình và ngòi bút của Kobo Sage chưa có sự ma sát, giống y hệt cảm giác mình sử dụng bút trên điện thoại Galaxy Note vậy, rất trơn.

Mình đã từng trải nghiệm một số máy đọc sách có tính năng Note khác và cảm giác viết trên chúng tốt hơn hẳn, có lẽ Kobo tạo ra màn hình của Sage thiên hướng tối ưu cho việc đọc hơn nên đã bỏ qua trải nghiệm viết. Phần bút của Kobo Sage sử dụng pin, làm từ nhựa nhám cầm đầm tay, và sở hũu hai nút bấm tẩy và chuyển chế độ highlight. Khi mới sử dụng, mình thường xuyên bấm nhầm hai nút này, khi trải nghiệm được 2 tuần thì đã quen và thành thạo hơn.

Kobo cho phép chúng ta ghi chú lên hai định dạng: EPUB và PDF. Chúng ta có thể ghi chú trực tiếp lên hai tệp này và xem lại ghi chú của mình ở phần tổng hợp trên giao diện đọc. Đây là một điểm mình đánh giá rất cao, vì để ghi chú được trên file EPUB thì phần mềm của Kobo cũng cần thay đổi và tối ưu khá nhiều. Ghi chú trên file PDF hoạt động hiệu quả, mình có thể ghi chú trên bất cứ trang nào mình thích. Sau khi ghi chú xong, file PDF có đính kèm ghi chú ngay lập tức được tải lên Dropbox.

Các bạn lưu ý là toàn bộ tệp tin PDF chưa ghi chú sẽ được gửi lên Dropbox mà không cần thao tác gì thêm. Cách làm này có ưu điểm là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể xem tệp PDF với ghi chú trên mọi thiết bị, nhưng ở chiều ngược lại, nếu các bạn có file sách nặng 200-300MB thì cần vô cùng kiên nhẫn để máy upload. Khi mình sử dụng, máy cũng thông báo lỗi tải lên một vài lần.

kobosage

Ở mục sổ tay ghi chú, Kobo cho chúng ta hai lựa chọn: Sổ tay cơ bản và nâng cao. Sổ tay cơ bản cho phép ghi chú theo trang, chúng ta có thể lựa chọn bốn kiểu nền khác nhau cho từng trang trang và thêm trang bằng cách vuốt từ phải qua trái. Trải nghiệm viết này khiến Kobo Sage tương tự một cuốn sổ tay truyền thống, chúng ta có thể viết, vẽ tuỳ thích.

Sổ tay nâng cao là nơi Kobo Sage phô diễn những tính năng ghi chú thông minh. Sổ tay này được bố trí theo dạng cuộn liên tục, cho phép chúng ta sử dụng những tính năng nhận diện chữ viết tay tiếng Anh, nhận diện lưu đồ, hình vẽ và công thức toán học. Khả năng nhận diện chữ viết của Kobo mình đánh giá khá tốt, máy nhận diện đầy đủ và trả về chính xác ký tự và khoảng cách, tốc độ nhận diện với mình không phải quá nhanh.

Khả năng nhận diện lưu đồ và hình vẽ của Kobo cũng được làm ấn tượng, khi mình vẽ lưu đồ có các khối và mũi tên, phần mềm của Kobo Sage ngay lập tức hiểu ý đồ và sẽ điều chỉnh mũi tên của mình gắn với các cạnh của khối tròn hay chữ nhật, khiến lưu đồ của mình dễ nhìn hơn. Máy cũng có thể nhận diện lưu đồ, hình vẽ và chuyển sang dạng khối hoặc chữ in.

Kobo Sage cũng hỗ trợ một số cử chỉ khi ghi chú ở dạng sổ tay nâng cao. Đây là một tính năng mình thấy tương đối thú vị và Kobo thật sự đã làm tốt. Chúng ta có thể dùng thao tác đầu bút để nối từ, chia từ, xoá, hightlight nội dung, nhấn mạnh tiêu đề và các đầu mục. Kobo Sage nhận diện thao tác này khá nhạy, có thể hũu dụng trong một số trường hợp.

kobo sage

Sau khi ghi chú, chúng ta có thể kết xuất ra bộ nhớ trong hoặc đồng bộ Dropbox. Với dạng ghi chú thông thường, máy cho phép kết xuất ra file PDF hoặc file zip chưa ảnh PNG, dạng ghi chú nâng cao máy sẽ thể kết xuất dưới dạng DOC, Text hoặc HTML. Lưu ý khi ghi chú ở dạng nâng cao, toàn bộ chữ viết của các bạn sẽ được nhận diện khi kết xuất.

Tuy nhiên, ghi chú trên Kobo Sage theo mình gặp phải vấn đề rất lớn về tốc độ hiển thị và ngăn chặn cảm ứng do tỳ tay (palm rejection). Trong quá trình sử dụng, không ít lần máy hiển thị trễ hoàn toàn nét bút so với thao thác, nghĩa là khi mình đã nhấc bút sang nét bút tiếp theo thì nét bút trước đó mới hiển ra đầy vô duyên, một số nét bút thì còn biến mất luôn. Máy cũng bị lưu ảnh khi sang trang mới, mình phải sử dụng tính năng refresh page khá thường xuyên. Ngoài ra, tính năng palm rejection của máy hoạt động tương đối tệ, máy liên tục tạo và chuyển sang trang mới khi mình tì tay vào màn hình để viết. Một vài lần máy còn bị treo hoàn toàn khi đang ghi chú, dẫn tới mình phải khởi động lại. Có lẽ quá nhiều tính năng Kobo tích hợp trên Sage đã khiến máy trở nên chậm chạp, dễ lỗi và bị nhận nhầm thao tác.

Mua bút Kobo Sage tại đây.

6. Tính năng đồng bộ

Đồng bộ trên Kobo Sage được gán với Dropbox. Trải qua một vài bước đơn giản, chúng ta có thể upload tệp lên thư mục Kobo trên Dropbox và máy sẽ tự động tải xuống. Các tệp ghi chú cũng được kết xuất ra thư mục trên Dropbox luôn, có thể xem trực tiếp hoặc tải về điện thoại hay máy tính.

kobo sage

Kobo cũng hỗ trợ plugin Pocket, cho phép gửi trang web tin tức tới máy. Mình đọc báo trên điện thoại, máy tính và sử dụng plugin pocket để lưu tin tức, từ đó trang web sẽ hiển thị trên Kobo. Tính năng này sẽ hũu dụng để đọc tin tức, blog hoặc nghiên cứu trực tuyến. Ngoài ra Nếu chúng ta cần đọc và cập nhật tin tức hàng ngày, có một vài mẹo để tạo máy chủ gửi dữ liệu RSS tới Pocket, tuy nhiên mình chưa thử và cũng nhận thấy sử dụng đọc tin tức trên smartphone sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

7. Thời lượng pin

Sở hữu một khối lượng lớn nhưng Kobo Sage lại có thời lượng pin quá yếu. Dung lượng viên pin trên máy chỉ là 1200mah, phải gánh một vi xử lí mạnh và màn hình lớn nên Kobo Sage sụt pin nhanh chóng. Một lần sạc đầy mình chỉ có thể sử dụng trong khoảng 1 tuần cho nhu cầu đọc và ghi chú hổn hợp, thi thoảng có bật wifi chỉ để kết xuất note trên Dropbox. Nếu chỉ đọc đơn thuần, ở độ sáng 50%, máy trụ được khoảng 5 giờ, thật sự quá ít cho một thiết bị E-Ink. Thôi thì coi như đánh đổi bởi sử dụng nhiều tính năng sẽ khiến thiết bị tốn nhiều pin hơn.

Kết luận

Kobo Sage là một chiếc máy đọc sách thuộc hàng flagship, sở hữu công nghệ hàng đầu của Kobo với vi xử lí tốc độ cao và khả năng hỗ trợ bút cảm ứng. Máy có thiết kế đẹp, đồng thời cho một trải nghiệm hiển thị nội udng và ghi chú trên màn hình lớn ấn tượng bởi độ sắc nét, khả năng ghi chú và nhận diện chữ viết thông minh, tuy vậy còn khá nhiều điểm thiếu sót trong trải nghiệm  khi mặc định chưa hỗ trợ tiếng Việt, còn xảy ra hiện tượng lag và thời lượng pin kém.

Với mình đây là một chiếc máy sẽ phù hợp cho những fan của Kobo hoặc người dùng muốn tìm kiếm chiếc máy đa dụng và sở hũu nhiều tính năng vui vẻ. Sử dụng Kobo Sage, chúng ta dùng sẽ phải thấu hiểu và chấp nhận đánh đổi cho những điểm chưa hoàn thiện của chiếc máy này.

Đọc thêm:

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI