Giết con chim nhại là một trong những áng văn kinh điển của văn học Mỹ trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị của mình. Cuốn sách mang thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương, thẳng thắn phản ánh nạn phân biệt chủng tộc và những định kiến xã hội đè nén con người.
Về tác giả
Harper Lee (sinh ngày 28/04/1926 – mất ngày 19/02/2016) là một nữ nhà văn người Mỹ. Bà được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm đầu tay Giết con chim nhại viết nam 1959.
Harper Lee sinh ra tại Monroeville thuộc tiểu bang Alabama. Bố của Lee là một luật sư tại cơ quan tư pháp tiểu bang, trước đó ông từng làm biên tập cho một tờ báo địa phương. Ngay từ nhỏ, Lee đã bộc lộ niềm say mê văn học và chơi thân với cậu bé hàng xóm Truman Capote, người sau này trở thành nhà văn, phóng viên nổi tiếng tại Mỹ.
Năm 1950 Harper Lee quyết định nghỉ việc nhân viên ở công ty hàng không để chuyên tâm vào công việc viết văn.
Sau khi hoàn thành một số truyện dài, năm 1956, Harper Lee được tặng nguyên một năm lương với đề nghị bà dùng năm đó để sáng tác bất kỳ thứ gì mình thích.
Năm 2007, bà được tổng thống George W. Brush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ vì những đóng góp cho văn học Mỹ.
Năm 2015, luật sư của Lee xác định xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai là “Đặt người vọng canh” sáng tác khoảng giữa thập niên 1950 được coi như phần tiếp theo của Giết con chim nhại.
Giới thiệu chung
Bối cảnh trong câu chuyện là tại Alabama, nơi rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và được viết trong thời điểm mà phong trào đấu tranh của người da màu, nổi bật là của Martin Luther King đang lan rộng tới tầm quốc gia.
Khi xuất bản lần đầu vào năm 1960, nó đã gây ra sự tranh cãi giữa các độc giả bởi cách dùng từ mạnh bạo, không hề né tránh khi đề cập trực tiếp tới vấn đề phân biệt chủng tộc. Bởi vậy nên có những thời điểm, Giết con chim nhại đã bị cấm ở nhiều nơi như kệ sách ở nhà trường hay thư viện.
Nhưng không chỉ dừng lại ở phân biệt chủng tộc, tác phẩm này còn đề cập tới các vấn đề nhức nhối khác trong xã hội như sự bất công, đạo đức giả và nhiều tệ nạn khác.
Giết con chim nhại xoay quanh câu chuyện về gia đình Finch gồm bố Atticus, anh trai Jem và cô con gái Scout tại thị trấn Maycomb, miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1930. Cuộc sống của họ trở nên biến động khi ông Atticus trở thành luật sư bào chữa cho một người da đen bị buộc tội hãm hiếp một cô gái da trắng.
Cuốn sách này đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng khác nhau và hơn 40 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.
Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm được ra mắt năm 1962 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giá và giới phê bình, đồng thời nhận được 3 trên tổng số 8 đề cử giải Oscar.
Ngôi kể chuyện
Giết con chim nhại được kể dưới góc nhìn của Scout, một bé gái trong trong những năm đầu tiểu học. Việc câu chuyện được kể giúp góc nhìn của một đứa trẻ khiến cho mọi thứ trở nên chân thật và có phần ngây ngô.
Bởi mỗi đứa trẻ đều như tờ giấy trắng, và những nét vẽ đầu tiên được viết lên tờ giấy đó chính là những thứ xung quanh đứa trẻ. Là những điều được xã hội thời đó mặc định là hiển nhiên và không thể nào thay đổi, như việc người da đen là tầng lớp hạ đẳng nhất, là tinh thần trọng nam khinh nữ (cho đến 1920, nữ giới mới được trao quyền bầu cử) hay việc em luôn bị cười nhạo vì hay mặc quần tây thay vì mặc váy.
“Cháu làm gì trong bộ áo liền quần đó? Cháu phải mặc váy với áo lót, quý cô ạ! Lớn lên nếu không có ai đó thay đổi cung cách của cháu thì cháu sẽ làm bồi bàn.”
Tuy nhiên, việc trao lời kể chuyện cho một đứa trẻ khiến cho hơn phân nửa cuốn sách là những hoạt động của Scout. Hoạt động của một đứa bé tiểu học thì sẽ là gì? Tất nhiên là kết bạn, chơi đùa của trẻ con.
Thế nên ở lần đầu đọc, với một người lớn như mình, cảm thấy nửa đầu câu chuyện không thoát ra được và bị nản khi đọc. Bởi bản thân mình không quá hứng thú với những thứ nhẹ nhàng, mình mong chờ sự sâu sắc, ẩn ý trong từng câu văn.
Cũng có những phút mang lại tiếng cười cho người đọc của hai anh em nhà Finch với những trò nghịch ngợm tinh quái như việc lén lút đến nhà một người hàng xóm rồi Jem bị rơi mất chiếc quần ở đó.
Thú vị hơn là chuyện tình gà bông hài hước, ngây thơ của Scout với cậu bé Dill – một người bạn sẽ đến chơi với hai anh em vào mùa hè.
“Hồi đầu hè nó đã yêu cầu tôi cưới nó, rồi nó nhanh chóng quên mất chuyện đó…nói tôi là đứa con gái duy nhất nó từng yêu, sau đó nó bỏ mặc tôi.”
“Chúng tôi tạm biệt nhau, và Dill đi vào nhà. Rõ ràng nó nhớ ra nó đã đính hôn với tôi, vì vậy nó chạy trở ra hôn tôi thật nhanh trước mặt Jem.”
Và phải đến lần đọc thứ hai, mình đọc chậm hơn, kĩ hơn mới bắt đầu có thể phát hiện ra những chi tiết đầy tinh tế mà chỉ những đứa trẻ ở Scout mới có thể nhìn thấy được. Mình thực sự bị cuốn vào câu chuyện hoàn toàn, và đây các bạn thấy quyển sách của mình này, mình đã đánh dấu ở rất nhiều trang bởi cứ đọc được một chút thì mình lại xuýt xoa tâm đắc với từng câu từng chữ trong đó.
Vấn đề phân biệt chủng tộc
Phân biệt chủng tộc vốn là một vấn đề mang tính chính chính trị, và là nỗi niềm đau đáu của toàn nhân loại. Nới tới phân biệt chủng tộc, có lẽ nhiều bạn đọc cũng như mình, liên tưởng tới những cuốn sách lịch sử chính trị “khó nhằn” về những câu chuyện lớn lao của nhân loại. Không hề dễ dàng để tiếp nhận và lồng ghép một thực trạng mang tính vĩ mô như vậy vào một câu chuyện để mọi người cùng bàn luận, và nếu không cẩn thận có thể “biến khéo thành vụng”.
Nhưng Harper Lee đã làm được điều đó. Không sử dụng lối viết cứng nhắc hay đao to búa lớn, những câu văn của bà nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, chua cay, từ từ đi sâu vào trong lòng người đọc.
Sự phân biệt trong câu chuyện này ban đầu chỉ được thể hiện rất mờ nhạt như việc người da đen làm giúp việc cho người da trắng. Bởi người da trắng và người da đen là hai thế giới khác nhau, nên trong thế giới của Scout người da đen mà cô bé hay tiếp xúc nhất đó là Calpurnia, người làm trong nhà Finch. Vào thời điểm đó, người da đen được mặc định là những kẻ bần tiện, vô học nhưng Calpurnia lại là một người thông thái, tốt bụng, yêu thương Jem và Scout nên được coi như một thành viên trong gia đình, không hề có sự phân biệt nào ở đây. Khi Scout đã thắc mắc tại sao bà lại không dùng cách nói chuyện khi nói với người da trắng để nói chuyện tại nhà thờ của người da đen, câu trả lời của bà đã cho chúng ta một bài học về cách đối nhân xử thế:
“Không cần thiết phải nói ra mọi điều mình biết. Như thế không đúng kiểu quý cô – thứ hai, người ta không thích có ai đó xung quanh biết nhiều hơn họ. Nó làm cho họ bực thêm. Cô sẽ không làm thay đổi được bất kì ai trong số họ bằng cách nói đúng, tự họ phải cảm thấy muốn học hỏi, và khi họ không muốn học thì cô chẳng thể làm gì ngoài việc im miệng và nói bằng thứ ngôn ngữ của họ.”
Chỉ đến khi ông Atticus trở thành luật sư minh oan cho một chàng trai da đen, Tom Robinson, cái xã hội đầy bất công ấy mới thật sự hiện ra, rõ nét, trần trụi đầy nhói lòng.
Định kiến của xã hội
Những định kiến ác nghiệt của xã hội thấp thoáng hiện lên trong đoạn đối thoại của hai anh em Jem và Scout về những đứa trẻ lai giao hàng cho cửa hàng thực phẩm: “Chúng không thuộc về bất cứ đâu. Người da màu không dung chứa chúng bởi vì chúng lai trắng; người da trắng không chấp nhận chúng bởi vì chúng lai da màu, vì vậy chúng chỉ đứng ở giữa, không thuộc về đâu cả.”
[…]
“…nhưng ở đây nếu em từng có một giọt máu da đen, điều đó làm em thành đen hoàn toàn.”
Sự phân biệt đối xử với người da đen thể hiện từ cách gọi đầy nhục nhã “bọn mọi đen”, đến việc người da đen không được phép đến nhà thờ của người da trắng, hay việc phân chia ghế ngồi trong tòa án. Thái độ của tên luật sư với Tom Robinson đầy vẻ coi thường, khinh bỉ:
“Cái kiểu cha đó cứ gọi anh ta là “chàng trai” rồi cười nhạo anh ta, và nhìn khắp lượt bồi thẩm đoàn mỗi lần anh ta trả lời…”
Vụ án của Tom Robinson là một vụ án với những tình tiết mà mọi người bình thường nhìn vào, đều có thể thấy rõ kết quả, là anh ta vô tội. Nhưng đây không còn đơn giản là một phiên tòa xử ai đúng, ai sai, theo luật phải làm thế nào, mà hơn thế, đó là một phiên tòa của lòng người khi một bên là định kiến ăn sâu bám rễ vào trái tim và một bên là lẽ phải. Vậy bên nào sẽ thắng?
“Tại sao những con người có lý trí lại hoàn toàn điên lên khi xảy ra bất cứ chuyện gì dính dáng tới người Da đen, đó là điều mà tôi không muốn làm bộ hiểu…”
“Có cái gì đó trong thế giới của chúng ta khiến cho họ mất đi khả năng lập luận – họ không thể công bằng cho dù họ cố gắng công bằng đi chăng nữa. Trong tòa án của chúng ta, khi lời khai của một người da trắng chống lại lời khai của một người da đen, người da trắng luôn luôn thắng. Họ xấu xa, nhưng sự đời nó thế”.
Sự phân biệt còn không chỉ giữa người da đen và người da trắng, mà còn là giữa những người da trắng với nhau. Jem thậm chí còn chia xã hội thành bốn loại người và Scout thì thấy rõ sự khác biệt giữa dân thành thị và nông thôn. Jem còn khẳng định sự chênh lệch ấy xuất phát từ học thức của mỗi gia đình. Scout đã rất ngạc nhiên khi người bác gái Alexandra cấm không cho mời Walter Cunningham về nhà chơi.
“Jean Louise, bác không hề nghi ngờ việc họ là người tốt. Nhưng họ không phải loại người như chúng ta.”
“Bởi vì nó-là-đồ-rác-rưởi, đó là lý do cháu không thể chơi với nó. Bác sẽ không để cháu quanh quẩn bên nó, bắt chước những thói quen của nó và học những thứ mà chỉ có Chúa mới biết. Cháu đã gây đủ vấn đề cho bố cháu rồi.
Atticus – Nhân vật mang tới hy vọng về nhân quyền
Trong cuộc chiến chống lại bất công xã hội này, nhân vật Atticus chính là người đại diện cho công bằng và chính nghĩa. Khi trở thành luật sư biện hộ cho Robinson, ông đã phải chịu sự chỉ trích, bàn tán thậm chí hăm dọa của tất cả mọi người, kể cả những người thân thích của mình rằng là kẻ “yêu mọi đen”:
“Tao nói vậy đó. Bà nội nói chuyện ba mày để tụi mày sống bừa bãi tùy ý đã đủ tệ rồi, nhưng giờ ông lại té ra thành kẻ yêu bọn mọi đen thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể đi lại trên đường phố Maycomb được nữa. Ông ấy đang hủy hoại dòng họ này, ông đang làm vậy đó.”
Nhà văn người Chile Luis Sepúlveda đã từng khẳng định rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình. Nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.” ông Atticus đã làm được điều đó, bất chấp những định kiến, gièm pha để đi theo tiếng gọi lương tâm của mình. Lượng tâm của ông chính là la bàn dẫn ông đi đúng con đường.
“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người.”
“Lý do chính là, nếu bố không làm, bố không thể ngẩng cao đầu trong thị trấn này được, bố không thể đại diện hạt này trong cơ quan lập pháp, thậm chí bố không thể bảo con hoặc Jem đừng làm điều gì đó nữa.”
Nhưng để có thể làm theo lương tâm của bản thân mình, đi ngược lại với số đông, cái mà ông Atticus cần còn phải là sự can đảm. Bởi định kiến và miệng lưỡi người đời là lưỡi dao vô hình đâm chết người. Mấy ai dám chống lại điều đó để rồi lưỡi dao ấy sẽ có thể quay ngược, đâm vào mình. Luật sư Atticus theo đuổi lương tri của mình một cách đầy can trường.
Atticus nhận thức rõ mình đang đương đầu với một chiến không cân sức, một kết quả thất bại đã được định sẵn ngay từ đầu. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được quyết tâm hành động bảo vệ lẽ phải và sự công bình của ông.
“Đơn giản bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng”.
“Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra.”
Ông Atticus có cách giáo dục con tuyệt vời theo hướng “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi thay vì tránh né, ông chọn để cho con mình đối diện thẳng thắn với những tốt xấu chúng gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó dạy cho con về lương tâm và lòng can đảm.
“Khi trẻ con hỏi chú điều gì thì hãy trả lời nó, vì thiện ý. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn, và sư lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối”.
Quả đúng là vậy, thay vì lẩn tránh, khiến cho trẻ tự tò mò hơn và tự tìm hiểu những kiến thức vô vàn, lạc lối trong thế giới tốt xấu lẫn lộn đó thì tại sao chúng ta lại không chủ động hướng cho trẻ tới những thứ tốt đẹp, phù hợp nhất với chúng chứ? Vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là để nó chạy sai, chạy tán loạn, rồi để lạc mất hươu.
————————
Không chỉ vậy, ông còn giáo dục cho con về công bằng trong xã hội.
“Khi lớn hơn, con sẽ thấy người da trắng lừa đảo người da đen mỗi ngày trong cuộc đời con, nhưng hãy để cho bố nói cho con nghe điều này và con đừng quên – bất cứ khi nào một người da trắng làm điều đó với một người da đen, bất kể anh ta là ai, anh ta giàu cỡ nào, hoặc anh ta xuất thân từ một gia đình danh giá ra sao, thì người da trắng đó vẫn là thứ rác rưởi.”
“Đối với bố chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của người da đen. Đừng đánh lừa mình – tất cả được tích tụ lại và tới lúc chúng ta sẽ phải trả giá cho điều đó. Bố hy vọng thời đại của các con sẽ không như vậy.”
Đối diện với sự bất công của xã hội sau vụ án của Tom Robinson, Scout và anh trai Jem, đặc biệt là Jem, đã vỡ mộng và rơi vào một giai đoạn khủng hoảng.
“Nếu chỉ có một hạng người, tại sao mọi người không thân thiện được với nhau? Nếu tất cả là giống nhau, tại sao họ lại mất công coi thường nhau?”
Hai anh em nhà Finch đang ở tuổi định hình tính cách, bắt đầu có tiếp xúc với xã hội và rất dễ bị những điều xấu ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Nhưng bố Atticus đã ở bên, luôn khuyến khích các con nhìn nhận cả mặt tốt lẫn xấu của con người, học cách thấu hiểu người khác, và cả bằng những hành động đầy ấm áp
“…tôi rúc vào lòng bố và đôi tay ông ôm lấy tôi. “Con lớn quá không ru được rồi””
“Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.”
“Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó.”
Nhiều lúc chúng ta tưởng rằng mình đã biết mọi thứ, nhưng thật ra ta chẳng biết gì hết, những gì ta thấy được mới chỉ là một góc nhỏ của tảng băng. Mỗi chúng ta là một cá thể với cá tính khác nhau không ai giống ai và ta đang sống ở thời đại mà trắng đen lẫn lộn làm lu mờ đi những giá trị thực. Bởi vậy nên hãy luôn nhận xét mọi thứ một cách khách quan, từ bản thân ta và từ mọi người.
Và với cách nhìn đa chiều như vậy, ông dễ dàng thấu hiểu những mặt hạn chế của con người, thông cảm và thậm chí tôn trọng người khác ngay trong cảnh lầm lạc của họ. Bà Dubose đã chê trách ông thậm tệ nhưng ông vẫn phân tích với con mình rằng đó là một quý bà vĩ đại, một con người can đảm “Bà đã chết mà không mắc nợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Bà là người can đảm nhất bố từng biết.”
Khi nhận biện hộ cho Tom Robinson, ông bị cả thị trấn dè bỉu và Scout xét theo số đông cho rằng thị trấn đúng còn bố sai thì ông đã đáp rằng: “Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ.” Quyền được có suy nghĩ và ý kiến riêng, khác hẳn và thậm chí trái ngược với người khác, cần phải được tôn trọng, dù cho ý kiến ấy phản dân chủ và bất lợi cho mình.
————————
Ngược lại với cách giáo dục đầy cởi mở của bố Atticus, nền giáo dục trong truyện lại bảo thủ và đầy khô cứng, không quan tâm đến nhu cầu, hoàn cảnh của học sinh và chứa đầy thành kiến. Tại trường học, Scout đã bị hạn chế khả năng khi bị cô giáo phủ nhận tài năng của mình, không cho em được nói lên suy nghĩ của mình và thậm chí áp đặt vào em những hình phạt vô lí.
“ khi tôi đọc bảng chữ cái, một nét nhăn mơ hồ xuất hiện giữa cặp chân mày cô và sau khi tôi đọc lớn hầu hết cuốn My First Reader và những bảng báo giá thị trường chứng khoán trên tờ The Mobile Register, cô phát hiện ra rằng tôi đã biết chữ và nhìn tôi với vẻ không hài lòng hơn nữa.”
Scout cũng đã biết ngạc nhiên khi nghe cô giáo mình dè bỉu người da đen sau khi đã dạy cho em về chế độ độc tài của Hitler và đã thắc mắc với Jem:
“Làm thế nào ảnh có thể ghét Hitler dữ dội và rồi trở mặt suy nghĩ tồi tệ về người khác ngay tại quê nhà.”
Con chim nhại
Cuối cùng, không thể không nhắc tới “con chim nhại”, hình ảnh biểu tượng xuyên suốt cả tác phẩm. Đó là loài chim chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó, điều đó lý giải tại sao giết con chim nhại là một việc làm tội lỗi. Hình ảnh này được tác giả xây dựng thành một biểu tượng cho sự ngây thơ trong sạch và những con người thiện tâm nhưng bị hủy hoại, theo nghĩa bóng hay nghĩa đen, vì cái xấu trong xã hội.
Ông Underwood coi việc bắn chết Tom Robinson, một người da đen hiền lành, cần cù lao động vậy mà lại phải nhận một tội danh từ đâu rơi xuống đầu anh, là giết con chim nhại.
Ngay cả họ Finch của Scout và Jem cũng là tên một loài chim sẻ ưa hót. Jem rơi vào khủng hoảng sau khi chứng kiến bất công trong vụ xử Tom cũng là hình ảnh của con chim nhại bị giết.
Và cả con chim nhại Boo Radley, sau một lỗi lầm ở tuổi mới lớn, đã bị người cha khắc nghiệt nhốt kín trong nhà, biến thành một bóng ma bị quên lãng, trở thành nỗi sợ trong lòng người dân Maycomb, cho đến khi được Scout nhìn nhận và coi như là bạn.
Lời kết
Giết con chim nhại là một tác phẩm xuất sắc mang giá trị nhân bản cao với nhiều thông điệp ý nghĩa cho tất cả chúng ta. Đây không phải là một câu chuyện đọc vội vàng, mà cần đọc từ từ, ngẫm nghĩ những gì ẩn sâu trong từng trang giấy. Không khó hiểu vì sao Giết con chim nhại vẫn giữ cho mình một chỗ đứng vững chắc dù đã qua hơn nửa thế kỷ.
Mua “Giết con chim nhại” ưu đãi giảm 22% tại đây
Đọc thêm: