Trang chủReviewsReview Hồ sơ tâm lý học - Tâm thần hay kẻ điên...

Review Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay kẻ điên – Cái nhìn trực diện vào vấn đề sức khỏe tâm thần

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sau đại dịch Covid-19, số người dân gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dưới đây là review Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay kẻ điên” – cuốn sách hấp dẫn về đề tài tâm lý học giúp bạn đọc có được những kiến thức cơ bản và cái nhìn thực tế về căn bệnh thầm lặng này.

Vấn đề thuộc về tâm lý học dạo gần đây mới bắt đầu trở thành chủ đề nóng tại Việt Nam, khi mà số lượng người mắc bệnh tâm lý, đặc biệt là trầm cảm tăng nhanh ở người trẻ. Theo thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số – nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). 

Nguyên nhân là sau đại dịch Covid-19 và một nguyên nhân khác là bởi mức sống của chúng ta đã tăng. Mức sống tăng đồng nghĩa với việc các áp lực lên con người cũng nhiều hơn, nhưng điều này không có nghĩa là khi mức sống thấp chúng ta sẽ không mắc bệnh tâm lý. Chỉ là khi  chúng ta thiếu thốn về vật chất thì những thứ thuộc về tinh thần sẽ ít được chú ý hơn, bởi “có thực mới vực được đạo” mà, vậy nên dù có vấn đề tâm lý thì mọi người cũng sẽ coi nhẹ hơn. 

Điều này ở phần giới thiệu của cuốn sách cũng viết rằng phát hiện ra tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở quê hương nông thôn cao hơn thành phố rất nhiều, nhưng người ở đó chẳng lấy làm lạ, thậm chí không coi đó là bệnh. 

“Bạn có thể nói một cách bi quan rằng, điều này cho thấy bản chất của bệnh tâm thần chính là nghèo khó và trăn trở”. 

Review Hồ sơ tâm lý - Tâm thần hay kẻ điên
Ngày càng nhiều người phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ảnh: Internet

Quay trở lại với Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay kẻ điên, đây là tổng hợp 13 câu chuyện được phỏng theo kinh nghiệm của chính tác giả Mục Qua khi thực tập tại Trung tâm sức khỏe Tâm thần. Mỗi một câu chuyện liên quan đến một căn bệnh khác nhau và tập trung vào không phải là quá trình điều trị, mà là nguyên nhân gây bệnh. Tác giả mang đến cho chúng ta kiến thức tâm lý học được đặt trong bối cảnh của mỗi câu chuyện rất chân thật đáng tin với những xung đột bất ngờ đầy kịch tính. 

Trong những nguyên nhân gây ra vấn đề tâm lý cho bệnh nhân, yếu tố  gia đình dù ít dù nhiều đều là yếu tố góp phần ảnh hưởng tới tâm lý nhân vật. Từ đó, ta có thể thấy được tầm quan trọng của gia đình lớn tới nhường nào, bởi nó sẽ tác động rất lớn tới suy nghĩ và hành động của chúng ta khi trưởng thành. Trong 13 câu chuyện thì là 13 mảnh đời khác nhau. Họ có thể là thiên tài kỳ quái, một cậu bé tổn thương, hay những người già cô đơn, nhưng tất cả họ đều mang trong mình tâm hồn tan nát, những trái tim vỡ vụn cần được chữa lành. Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay kẻ điên không chỉ nói về những con người bất hạnh mà còn phơi bày những góc tối của xã hội.

Nguyên nhân những vấn đề tâm lý xuất phát từ gia đình 

Ở câu chuyện đầu tiên “Xin hãy giúp mẹ cháu” là về bệnh “tâm thần phân liệt” khi một cậu bé mang trong mình hai nhân cách trái ngược nhau, một tươi sáng tài giỏi, một u ám kém cỏi. Trong nhiều trường hợp thực tế rằng các nhân cách dù biết đến sự tồn tại của nhau cũng không qua lại với nhau, chán ghét đối phương thậm chí còn muốn tiêu diệt lẫn nhau. 

Nhưng thật lạ lùng, hai nhân cách của cậu bé này lại yêu thương che chở cho nhau như anh em ruột thịt. Điều kỳ lạ hơn nữa, đó chính là nhân cách luôn trầm mặc, u sầu lại luôn yêu thương người mẹ ghét bỏ mình. 

Bởi sự thật là “Khao khát tình yêu thương của bố mẹ là mạch chảy chủ yếu trong quá trình trưởng thành của trẻ”. Giống như việc một đứa trẻ phản nghịch hay cố gắng học tập đều xuất phát từ nguyên nhân là để thu hút sự chú ý, quan tâm của cha mẹ vậy. 

Review Hồ sơ tâm lý - Tâm thần hay kẻ điên
Cậu bé mang 2 nhân cách. Ảnh: Internet

Từ cái cách đặt tên cho mẩu chuyện này, ta cũng phần nào hiểu được người mẹ này đóng vai trò gì. Cô ấy vừa là nguyên nhân gây bệnh khi đặt quá nhiều nhiều áp lực lên đứa trẻ, cũng là nguyên nhân để cậu bé đi chữa bệnh. Tuy nhiên sau khi đứa trẻ đã chữa bệnh thành công, trở thành đứa con như người mẹ đã mong muốn, thông minh, hoạt bát thì liệu cô ấy có hạnh phúc không? Đây là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc về tình mẫu tử và có thể coi là “nhẹ đô” nhất để tác giả chuẩn bị cho những cú sốc tinh thần ở những câu chuyện tiếp.

Câu chuyện “Chán ăn tâm thần” về Sở Hân – cô gái mang đến ấn tượng bạn đầu cho tác giả rất tầm thường “như một bản vẽ phác thảo, đơn giản nguệch ngoạc, không có gì khác.”

Chi tiết về gia đình cô gái tưởng như chỉ là phụ trợ nhỏ, rằng vì cô thấy mẹ mình như vậy nên muốn đẹp hơn mẹ như tác giả suy đoán,… nhưng rồi tất cả đều ngỡ ngàng về câu chuyện đen tối trong gia đình này. Người chị thì ăn no đến chết còn người em thì lại mắc chứng chán ăn và đang tiến gần với cái chết khi dinh dưỡng không còn đủ nuôi sống bản thân nữa.

review hồ sơ tâm lý học - Tâm thần hay kẻ điên
Cô gái mắc chứng biếng ăn vì những bi kịch trong gia đình. Ảnh: Internet

Quả là một cặp chị em kì lạ, và gia đình nơi 2 chị em này phát triển chắc chắn không thể nào bình thường được. Nơi mà người bố tưởng rằng hiền lành nhưng lại thực hiện tội ác dẫn tới cái chết của người chị và người mẹ, có thể đã suy đoán được phần nào, nhưng lại chọn nhẫn nhịn. Một vỏ bọc của một gia đình bình thường được dựng lên đằng sau nỗi đau vô cùng ấy, và nỗi đau đó người chị đã trả bằng cái chết của mình, và người em ám ảnh cái chết của người chị nếu như không có sự can thiệp của các bác sĩ tâm lý, có lẽ cô ấy sẽ lìa đời ở độ tuổi hoa, để lại người mẹ sẽ là người đau khổ nhất. Bởi chết hẳn với 2 người con là giải thoát, còn người mẹ thì sao? Bà chính là người bất hạnh nhất, khi mà mất đi 2 máu mủ ruột thịt của mình, và còn phải đối mặt hàng ngày, đầu ấp tay gối với kẻ đã gián tiếp gây nên cái chết của hai đứa con của mình. 

“Hoang tưởng người khác yêu mình” là về căn bệnh rối loạn tình yêu ám ảnh, nhân vật chính là một người đàn ông với lịch sử tình trường “dày dặn kinh nghiệm” nhưng hóa ra tất cả chỉ là ảo tưởng của bản thân anh ta. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này của anh ta là từ người mẹ bị trầm cảm do không chịu được ánh mắt phán xét, chỉ trỏ của xã hội khi khi là mẹ đơn thân và sâu xa hơn là do định kiến xã hội với người phụ nữ nuôi con một mình. Áp lực khiến người mẹ đặt hết kỳ vọng vào người con trai, dạy con mười mấy tiếng một ngày cách giao tiếp ứng xử thế nào để được mọi người yêu thích. Một đứa trẻ được mẹ dạy mười mấy tiếng một ngày, áp lực phải lớn đến nhường nào? Nhưng đến khi người con ấy trưởng thành, phát hiện ra không phải ai cũng yêu mình và chấp nhận việc bị liệt thay vì “không được yêu thích cũng không sao”. 

Đến với câu chuyện “Miêu nữ”, sức ảnh hưởng của gia đình lúc này đã từ thế hệ này sang thế hệ khác, khi mà cô con gái được người mẹ nuôi như mèo bởi người mẹ đã từng được bố mình nuôi như chó. Trường hợp này không phải hiếm gặp, ví dụ dễ thấy nhất là ở xu hướng bạo lực có thể ảnh hưởng thế hệ tương tự, bởi khi đứa trẻ chứng kiến những cảnh như vậy từ nhỏ thì tiềm thức khi trưởng thành sẽ dẫn dắt chúng họ hành động lại về cảm giác tuổi thơ. Bởi lẽ “con người có xu hướng tìm những thứ thân thuộc với mình”. 

Review Hồ sơ tâm lý học - Tâm thần hay kẻ điên
Câu chuyện về cô gái được mẹ nuôi như mèo. Ảnh: Internet

Còn “Hội chứng sợ màu đỏ” là về việc bạo lực gia đình gián tiếp, khi mà người mẹ và người bố hành hạ nhau nhưng người chứng kiến, vật hy sinh chính là người con gái. 

Lâu dài cô bé ấy đã học được chứng sợ máu của người bố, cái mà người mẹ luôn bám vào để gây nên đau khổ cho ông.

Bởi vậy nên, trong một cuộc cãi vã của cha mẹ, dù đúng dù sai, người tổn thương nhất chính là những đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều như một tờ giấy trắng mà người tô điểm nét vẽ lên tờ giấy đó chính là từ những người xung quanh chúng mà gần gũi nhất là các thành viên trong gia đình. Bố mẹ sẽ quyết định rằng nét vẽ đó là đen hay trắng, tươi sáng hay u ám và những nét vẽ ấy khó có thể nào xóa bỏ được trong suốt cuộc đời của đứa trẻ. 

Vấn đề tâm lý như bệnh cảm cúm

Tâm lý học là một thứ rất rộng lớn và khó có thể nắm bắt, tình trạng tâm lý với người này có thể là bình thường nhưng với một người khác, là điều bất thường. 

“Khi bạn nói về tâm lý học với một người bạn cho rằng rất thiếu nền tảng kiến thức, có thể anh ta sẽ khinh thường, cho rằng cái gọi là trị liệu tâm lý thực chất chỉ là chiêu trò lừa bịp, chẳng chữa được gì, nói một  người có bệnh này bệnh kia chẳng qua để hù dọa người ta, “theo cách nói của cô thì ai chẳng có bệnh””.

Vậy nên trường hợp bác sĩ hiểu sai và đưa ra hướng điều trị sai cách cho bệnh nhân tâm lý không phải là hiếm. Ví dụ từ câu chuyện  “Hội chứng trầm cảm cười”. 

Nghe tên của câu chuyện, chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên. Bởi “trầm cảm” và “cười” vốn là hai từ gần như là đối lập nhau, khi nhắc đến “trầm cảm” người ta sẽ nghĩ ngay tới một con người ít nói, khép mình và luôn luôn sống trong bóng tối. Nhưng thực chất rằng, những người càng bị trầm cảm nặng, thì họ che dấu cảm xúc của mình trước mặt người khác càng tốt, gần như không khác người bình thường là mấy. Và một trong những cách che dấu phổ biến nhất, đó là “cười”. 

Ở câu chuyện này, những người mắc căn bệnh này là những cô cậu học sinh, luôn vui vẻ hoạt bát với nụ cười tươi tắn trên môi. Bởi vì những đứa trẻ này đã được bác sĩ tâm lý dạy rằng:

“Người lớn đang trải qua chuyện hàng nghìn, hàng vạn lần so với em đấy, nếu mẹ vẫn còn thể cười với em, chẳng có lý do gì mà em không thể cười, em không chỉ cần cười, còn phải cười chân thành hơn mẹ, vì sự thật chính là như vậy.”

Đây quả thật là một hình thức “bạo hành tâm lý” khiến mình phẫn nộ, khi cưỡng đoạt quyền biểu hiện cảm xúc và coi nhẹ những hỉ nộ ái ố ở con trẻ. Và thế giới tâm lý con người đa dạng và sâu sắc, vậy nên vết thương tâm lý lại càng khó lành hơn bất cứ vết thương nào, sao có thể đánh đồng một cách hời hợt với “cảm cúm” được chứ? 

“Vấn đề tâm lý giống như cơn cảm cúm, hắt hơi vài lần là khỏi thôi”

Đáng buồn thay, cách điều trị tâm lý đầy sai lệch này lại được phụ huynh và nhà trường tán đồng, như một cách “trút giận” những bề bộn trong cuộc sống lên con trẻ của mình.

Cách nhìn nhận “vấn đề tâm lý như cảm cúm” này lại tiếp tục xuất hiện ở câu chuyện “Tội ác không thể phán xử”, một câu chuyện về ảnh hưởng của bạo lực học đường. kẻ mang đến bạo lực lại dần quên mất tội ác mình mang đến, hoặc coi đó là trò trẻ con khi còn nhỏ, trưởng thành thì quên đi. Trong khi đó nạn nhân có thể phải mang nỗi đau ấy cả đời. Kẻ gây ra tội ác coi ám ảnh tâm lý của nạn nhân như “cảm cúm”, không hiểu tại sao nạn nhân lại có thể ám ảnh nó lâu vậy trong khi anh ta đã quên nó từ rất lâu rồi. 

Cách con người nhìn nhận nỗi đau của người khác

Nhìn rộng hơn từ câu chuyện về bạo lực học đường ở trên, đó chính là cách con người nhìn nhận nỗi đau của người khác.

“Con người rất lười biếng với nỗi đau, chỉ cần không xuất hiện ở bản thân sẽ tránh càng xa càng tốt, nếu không thể thay đổi nhận thức của xã hội, vậy người thay đổi chỉ có thể là bản thân thôi”. 

Bởi vậy nên nhân vật Lạc Lạc mắc chứng ám ảnh sợ hãi trong “hội chứng sợ màu đỏ” đã phải nghỉ việc khi quan hệ với đồng nghiệp không tốt “họ cho rằng tôi đỏng đảnh, hở chút là giật mình, sợ cái này cái kia”. Trong “Ham muốn tình dục bị kìm nén”, bệnh nhân Thục Phấn mắc bệnh ám ảnh cưỡng chế bị những người hàng xóm gọi là “người đàn bà điên”. 

Review Hồ sơ tâm lý học - Tâm thần hay kẻ điên
Cách con người nhìn nhận nỗi đâu của người khác.

Nhưng thật ra, với một người xa lạ, mấy ai chịu bỏ ra thời gian và tấm lòng tìm hiểu vấn đề của họ, cảm thông với họ chứ? Chính bản thân mình cũng cảm thấy điều này thật khó khăn, bởi bản chất của con người là ái kỷ, những suy nghĩ, định kiến đã ăn sâu trong tiềm thức của bản thân khó có thể thay đổi. 

Nói thêm một chút về nhân vật Thục Phấn của “Ham muốn tình dục bị kìm nén”, vấn đề của chị một mặt cũng là từ người mẹ của chị, khi mà những kỳ vọng của bà đặt lên chị quá nhiều khiến bản thân Thục Phấn luôn phải đè nén ham muốn của bản thân dưới cái vỏ bọc đoan trang, nghiêm túc. Áp lực tạo ra kim cương là thật, nhưng không phải than chì nào chịu sức ép cũng trở thành kim cương, khi thực hiện sai cách nó chỉ còn lại đống tro tàn mà thôi. 

Cách mà con người đối diện với nỗi đau của người khác ở những câu chuyện trên là gì? Đó là sự chỉ trỏ, bàn tán, trách móc. Nhưng tận cùng của nỗi đau với bệnh nhân, đó chính là sự thờ ơ, hơn nữa là sự thờ ơ từ chính những người thân yêu của mình. 

Đây chính là nỗi buồn ở câu chuyện “Lãng quên và quên lãng”, một câu chuyện gần như không có lối thoát, là vấn đề nan giải của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần của người già.  Ở người trẻ phân biệt tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm,… nhưng những căn bệnh tâm ở người già đều không được xem trọng, tất cả đều quy về một mối. Những ông bà lão trong bệnh viện tâm thần mang trong mình “bệnh tâm thần của cả gia đình, xã hội và thời đại”, nhưng đáng buồn là “không ai có thể bao dung họ, còn họ đang lặng lẽ chờ đợi cái chết và bị lãng quên”. Người già là người gần đất xa trời, nhưng chẳng lẽ bởi vậy mà họ phải chấp nhận sống và bị đối xử một cách hời hợt?

Góc tối của tâm lý con người 

Những câu chuyện trong “Hồ sơ tâm lý học” đưa người đọc tới góc tối của tâm lý con người. Đó là sự xuất hiện của deep web trong “Chứng cuồng phóng hỏa”, khi có những người bỏ ra số tiền lớn để xem người ta đốt vật và đốt cả “người”. Là bi kịch “bạo lực dư luận” của Tạ Tất khi những câu nói của người qua đường lại đẩy một cậu bé với tương lai tươi sáng tới bờ vực của cái chết. Mỗi một câu nói của chúng ta, dù vô tình hay cố ý, đều có thể giúp góp gió thành bão đủ sức quật ngã bất kỳ ai. 

Đó còn là câu chuyện về ham muốn kiểm soát biến thái của người bố dành cho con gái trong “Một con rối tên Hồng” – đây có lẽ là câu chuyện ám ảnh nhất trong cuốn sách. Con rối Hồng được tác giả dựng nên chân dung khá kinh dị với “váy màu đỏ, tóc ngắn màu đen”, “con rối trông giàu cảm xúc”, “trông vô cảm”, nhưng dòng mô tả khiến bất kỳ ai cũng phải nổi da gà vì sự kỳ dị của của nó. 

Kế hoạch thanh tẩy nhân loại 

Càng về cuối, các câu chuyện càng có hướng trinh thám với những plot twist khiến người đọc bất ngờ và liên kết với nhau chặt chẽ. Đó là bởi sự xuất hiện của một nhân vật, vốn là bệnh nhân tâm thần, Tề Tố. Nhân vật này xuất hiện xuyên suốt cả câu chuyện nhưng đến cuối bí ẩn về anh ta mới dần dần được vén màn với “Kế hoạch thanh tẩy nhân loại” đầy điên rồ nhưng nguyên nhân ẩn sâu lại đầy tính nhân văn. 

Quá trình phục hồi tâm lý của mỗi bệnh nhân, bên cạnh nhờ sự can thiệp của bác sĩ, ý chí của bản thân bệnh nhân thì có một yếu tố khác: cách nhìn của những người xung quanh với bệnh nhân ấy. Những nhân vật trong cuốn sách này, với cách chứng bệnh khác nhau, đều tự dựng lên cho mình một bức tường ngăn cách bản thân mình với thế giới ngoài kia.

“Có lúc, chúng ta gọi bệnh tâm thần là bệnh cố chấp, các bệnh nhân đều cố chấp sống trong thế giới kỳ thú của mình, không chịu hòa nhập với người xung quanh, không thể giống với đám đông, họ cố chấp dằn vặt chính mình.”

Review Hồ sơ tâm lý học - Tâm thần hay kẻ điên
Kế hoạch thanh tẩy nhân loại. Ảnh: Internet

Bức tường họ dựng lên là thật, nhưng bức tường ấy, có phải cũng được góp phần từ cộng đồng, xã hội quanh họ không? Xã hội chỉ trỏ vì căn bệnh của họ là một chuyện, nhưng khi mà họ đã khỏi bệnh, liệu xã hội có dễ dàng để họ hòa nhập trở lại cuộc sống không? Đây chính là khởi nguồn của “Kế hoạch thanh tẩy nhân loại”, biến bệnh tâm thần trở thành một căn bệnh bình thường với mong muốn biến tất cả thành bệnh nhân tâm thần, đến khi đó tất cả mọi người đều như nhau.

“Mấu chốt của ung thư tâm thần không nằm trong não, mà ở các mối quan hệ. Hôm nay cậu chữa khỏi não của anh ta, một khi thả anh ta về với xã hội, khối u trong các mối quan hệ sẽ một lần nữa nghiền nát anh ta”.

“Tôi không từ bỏ “tế bào gốc tâm thần”, mà chỉ khởi động nghiên cứu “tế bào gốc tâm thần” thật sự. Mục tiêu không phải là bệnh nhân, mà là ánh mắt của những người bình thường”. 

Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay Kẻ điên cho ta cái nhìn khách quan, thực tế vào góc tối của thế giới những người bệnh tâm thần. Từ đó, cho người đọc nhiều bài học về sức khỏe tâm thần và cái nhìn đúng đắn với những người gặp vấn đề về tâm lý.

Uyên.

Mua sách Hồ sơ tâm lý học – Tâm thần hay kẻ điên tại đây để được giảm 28%

Đọc thêm:

Top 5 những cuốn sách văn học Hàn Quốc nên đọc

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI