“Đắc nhân tâm” được mệnh danh là “cuốn sách hay nhất của mọi thời đại đưa bạn đến thành công”. Cuốn sách nổi tiếng trên toàn thế giới, được cho là kim chỉ nam của nhiều người thành đạt. Vậy với tên gọi vô cùng hấp dẫn “How to win friends and influence people” và những mỹ từ hấp dẫn dành cho nó – “kinh thánh của dòng sách Self-help”, “cẩm nang nghệ thuật sống”, cuốn sách này liệu có xứng đáng với danh tiếng của nó.
Hoàn cảnh ra đời
“Đắc nhân tâm” được Dale Carnegie cho ra mắt lần đầu tiên năm 1936. Đến nay đã gần 90 năm, cuốn sách vẫn được tái bản nhiều lần và thuộc hàng bán chạy nhất.
Trong phần mở đầu Dale Carnegie đã chia sẻ lý do cuốn sách này được ra đời. Khi đó, tác giả đang thất nghiệp và xin được vào dạy tại một trung tâm về đào tạo kỹ năng sống cho chủ doanh nghiệp. Tình cờ, các bài thuyết trình, chia sẻ của ông được đông đảo mọi người quan tâm, ủng hộ. Do đó, Cale Carnegie đã tập hợp chúng thành một cuốn sách dày 300 trang như ta thấy cuốn “Đắc nhân tâm” ngày nay.
Như vậy, có thể nói, mục đích ban đầu của “Đắc nhân tâm” không phải vì chia sẻ kiến thức cho đọc giả đại chúng mà phục vụ cho công việc của tác giả và sau này là tạo ra thu nhập thụ động.
Nội dung, lập luận hời hợt
“Đắc nhân tâm” được chia ra thành 4 phần với 30 nguyên tắc được cho là sẽ cải thiện kỹ năng xã hội, giúp đạt được những thành tựu cá nhân và trong công việc.
PHẦN MỘT: NGHỆ THUẬT ỨNG XỬ CĂN BẢN
Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền!
Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.
Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm.
PHẦN HAI: SÁU CÁCH TẠO THIỆN CẢM
Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác.
Nguyên tắc 5: Hãy mỉm cười!
Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ.
Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ.
Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm.
Nguyên tắc 9: Thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.
PHẦN BA: CÁCH HƯỚNG NGƯỜI KHÁC SUY NGHĨ THEO BẠN
Nguyên tắc 10: Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói rằng: “Anh/Chị sai rồi!”.
Nguyên tắc 12: Nếu bạn sai, hãy nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận điều đó.
Nguyên tắc 13: Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện.
Nguyên tắc 14: Hỏi những câu khiến người khác đáp “Vâng” tức thì.
Nguyên tắc 15: Để người khác cảm thấy họ là người làm chủ cuộc nói chuyện.
Nguyên tắc 16: Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.
Nguyên tắc 17: Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác.
Nguyên tắc 18: Đồng cảm với mong muốn của người khác.
Nguyên tắc 19: Khơi gợi sự cao thượng nơi người khác.
Nguyên tắc 20: Biết trình bày vấn đề một cách sinh động.
Nguyên tắc 21: Biết khơi gợi tinh thần vượt lên thử thách.
PHẦN BỐN: CHUYỂN HÓA NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG GÂY RA SỰ CHỐNG ĐỐI HAY OÁN GIẬN
Nguyên tắc 22: Bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành.
Nguyên tắc 23: Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.
Nguyên tắc 24: Hãy xét mình trước khi phê bình người khác.
Nguyên tắc 25: Gợi ý, thay vì ra lệnh.
Nguyên tắc 26: Biết giữ thể diện cho người khác.
Nguyên tắc 27: Thật lòng khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất, ở người khác.
Nguyên tắc 28: Khen ngợi làm người khác sống xứng đáng với lời khen đó.
Nguyên tắc 29: Khuyến khích, mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm.
Nguyên tắc 30: Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của bạn.
Phần 1 – Nghệ thuật ứng xử căn bản: nhấn mạnh tầm việc làm cho người khác thấy mình quan trọng và được tôn trọng bằng những phương pháp như tránh chỉ trích, khen ngợi, thể hiện lòng biết ơn, khơi gợi sự đồng cảm của người khác…
Phần 2 – Sáu cách tạo thiện cảm: phần này hướng dẫn người đọc tạo ấn tượng đầu và cách phát triển mối quan hệ lâu dài. Nó bao gồm các phương pháp như mỉm cười, nhớ tên và làm người khác thấy mình quan trọng…
Phần 3 – Cách hướng người khác suy nghĩ theo bạn: phần này tập trung vào làm sao cho giao tiếp và thuyết phục hiệu quả thông qua việc tránh tranh cãi, đặt mình vào góc nhìn của người khác và tìm điểm chung với đối tượng đang giao tiếp…
Phần 4 – Chuyển hóa người khác mà không gây ra sự chống đối hay oán giận bằng cách truyền cảm hứng nhiệt huyết, tận dụng lời khen, giữ thể diện cho người khác…
Ta dễ thấy 30 nguyên tắc trong “Đắc nhân tâm” đều là những đức tính tốt mà bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi nào cũng nên đọc. Tuy nhiên, khi đọc cuốn sách ta cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều quy tắc ở đây có thể chúng ta đã biết. Những lời khuyên được đưa ra trong “Đắc nhân tâm” hết sức đơn giản và dễ hiểu mà chúng ta có thể nhận được từ chính ông bà, cha mẹ hay những bài học đạo đức trên trường rồi.
Có một lỗ hổng nghiêm trọng trong cuốn sách Self-help được coi là “kinh thánh” này là nó không có lý thuyết nền tảng. Tác giả đã dẫn lời rất nhiều các nhà Tâm lý học nổi tiếng như Sigmund Freud, Carl Gustav Jung, Alfred Adler,… tuy nhiên chưa có một lý thuyết tâm lý học chính thức, một nghiên cứu và số liệu cụ thể nào được đưa ra.
Ví dụ khi Dale Carnegie khuyên chúng ta không nên chỉ trích người khác thì lý do được tác giả được ra vì chúng ta cũng không thích bị người khác chỉ trích. Lý do này hoàn toàn không sai, tuy nhiên nó chỉ là bề nổi của vấn đề. Tác giả không giải thích được cơ chế hoạt động của bộ não khiến chúng ta không thích bị chỉ trích, không chỉ ra được tâm lý học hành vi của người cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi bị lên án. Do đó, lập luận của tác giả không có tính bao quát. Nếu giải thích được hiện tượng tâm lý của con người dưới góc nhìn khoa học, ta có thấy được cơ chế hoạt động, phản ứng của bộ não từ đó áp dụng được trong mọi tình huống cảm xúc không chỉ khi bị chỉ trích.
Để khỏa lấp cho lỗ hổng này, Dale Carnegie đã bù đắp lại bằng rất nhiều ví dụ, dẫn chứng, trích dẫn. Bởi lẽ càng nhiều ví dụ thì đọc giả sẽ tìm thấy ít nhất một câu chuyện giống mình trong đó và tăng độ đồng cảm với cuốn sách.
Tuy nhiên, việc lấy dẫn chứng, trích dẫn lại bị lấy một cách lấp lừng, không văn cảnh và thậm chí là sai lệch.
Sau đây là một số dẫn chứng mà Dale Carnegie đã sử dụng trong “Đắc nhân tâm”:
- Cách phê bình cực đoan cũng từng đẩy Thomas Chatterton, nhà thơ Anh, đến chỗ tự sát.
- Victor Hugo không khao khát gì hơn là thành phố Paris được đổi thành tên ông.
- Và cũng chính sự khao khát cảm thấy mình quan trọng đã thúc đẩy Charles Dickens viết nên những tiểu thuyết bất hủ. Sự khao khát này cũng là động lực để Christopher Wren viết những bản giao hưởng của mình lên đá. Và chính sự khao khát ấy cũng đã giúp Rockefeller kiếm được hàng triệu dollar mà hầu như ông chẳng cần dùng đến một đồng trong số đó.
Các dẫn chứng được Dale sử dụng đều cụt ngủn trong một vài câu, với công thức chung là một người nổi tiếng đã nói hoặc làm gì đó. Mỗi chương có tới cả chục dẫn chứng như vậy, có lẽ không người đọc nào có thể xác minh hết tính chân thực của từng dẫn chứng. Như trong dẫn chứng số 1, nếu tìm hiểu một chút trên Google ta có thể thấy, cái chết Thomas Chatterton vẫn là một điều bí ẩn, có nguồn cho rằng ông tự tử vì nghèo túng, có nguồn lại nói ông sung túc nhờ viết văn và chỉ qua đời vì uống asen quá liều để chữa bệnh lây qua đường tình dục của mình. Vậy lý do gì, tác giả cho rằng Thomas tự tử vì “cách phê bình cực đoan của mình”?. Về Victor Hugo không hiểu do đâu mà Dale Carnegie có thể khẳng định nhà văn khao khát Paris đổi thành tên mình? Câu nói của tác giả phải chăng đến từ sự thật rằng Hugo là người duy nhất có một con đường mang tên ông trước khi ông qua đời? Và rất nhiều những vĩ nhân khác được nêu tên và nói những câu không có ngữ cảnh, thậm chí không được trích dẫn trực tiếp và trong những câu chuyện vu vơ.
Có thể nói không phải ngẫu nhiên mà có sự trích dẫn bừa bãi này. Tại sao tác giả không viết “tôi giả định một câu chuyện thế này” rồi vẽ ra một tình huống chi tiết, có liên kết chặt chẽ hơn với những nguyên tác ông đưa ra? Vì bởi lẽ không ai tin một câu chuyện hư cấu dù có hợp logic thì cũng không có thật. Nhưng nếu mượn lời một người nổi tiếng, một nhà tâm lý học, một tỷ phú, một nhà chính trị thì nó đã tạo cảm giác đáng tin hơn rất nhiều dù chưa cần xem xét câu chuyện đằng sau có phải sự thật hay không?
Trong “Đắc nhân tâm” có một trích dẫn như sau:
Shakespeare nói rằng: “Không có sự việc, hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến nó xấu hay tốt”.
Quả đúng câu nói này của Shakespeare, nhưng là để viết lời thoại cho nhân vật Hamlet trong vở kịch Hamlet Hồi 2, cảnh 2. Dale Carnegie đã mắc một sai lầm khi quy chụp lời thoại của một nhân vật hư cấu là quan điểm của tác giả. Từ khi nhân vật được thai nghén và khai sinh thì họ đã có một đời sống riêng so với tác giả! Trong một tác phẩm hư cấu có cả nhân vật tốt và xấu được phát triển theo những hướng riêng, vì vậy chúng ta không thể cho rằng bất kỳ nhân vật nào thể hiện tinh thần của tác giả.
Ngoài ra còn rất nhiều những người nổi tiếng, vĩ nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau được gọi tên trong “Đắc nhân tâm” như Abe Lincoln, triết gia Emerson, Henry Ford, Freud,… để đọc giả thêm niềm tin vào những luận điểm của tác giả.
Nghệ thuật hay kỹ xảo?
Xuyên suốt cuốn sách, Dale Carnegie không ngừng nhắc nhở đọc giả phải ứng xử chân thành với mọi người:
- Sự khác nhau giữa cảm kích và tâng bốc nằm ở đâu? Rất đơn giản! Điều này là thành thực còn điều kia là không thành thực. Một điều xuất phát từ tấm lòng, một điều chỉ từ cửa miệng. Một điều là vô tư, chân thành, một điều là ích kỷ, có mục đích.
- Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai.
- Các nguyên tắc nêu trong quyển sách này sẽ chỉ có tác dụng khi chúng xuất phát từ chính sự chân thành. Tôi không đưa ra những mánh khóe hay thủ thuật để giúp chúng ta ứng xử giả dối. Tôi chỉ thảo luận với các bạn về sự khen ngợi chân thành từ sâu thẳm trái tim.
- Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để người khác thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến người khác, chúng ta sẽ làm được.
Tuy nhiên có thật là như vậy?
Ngay từ tiêu đề tiêu đề cuốn sách “How to win friends and influence people”, cho thấy tác giả đang hướng dẫn bạn đọc thắng và gây ảnh hưởng với người khác hơn “chân thành” với họ.
Để chứng minh cho điều này, xuyên suốt các chương, tác giả khuyến khích người đọc khen ngợi, làm cho người khác thấy họ quan trọng hơn là nói về những khuyết điểm của họ. Đây là một kiểu làm hài lòng người khác để dễ gây ảnh hưởng đến họ sau này. Khi bạn cố gắng gây ảnh hưởng với người khác thì là do cái tôi của bạn hơn hay bạn đang chân thành với họ?
Những người thực hành những nguyên tắc trong “Đắc nhân tâm” có thể gây thiện cảm ban đầu qua việc mỉm cười, gọi tên, khen ngợi. Tuy nhiên, quá thuần thục những kỹ năng này dễ khiến chúng trở thành những chiêu trò, tiểu xảo để thao túng tâm lý người khác mà có thể chính họ cũng không nhận ra. Vì chẳng phải mục đích của “Đắc nhân tâm” là hướng người khác suy nghĩ giống bạn, “chuyển hóa” người khác hay sao?
Hãy thử tưởng tượng một cuộc đối thoại giữa hai người hoàn toàn thành thạo những nguyên tắc trong “Đắc nhân tâm”, họ sẽ chỉ khen ngợi và nói những điều đối phương muốn nghe thì cuộc nói chuyện sẽ trở nên ngượng ngạo và thảo mai đến mức nào.
Tại sao “Đắc nhân tâm” lại nổi tiếng
Không phải ngẫu nhiên mà “Đắc nhân tâm” vẫn luôn thuộc top sách bán chạy và được “tôn thờ” trong suốt gần 90 năm qua. Và không thể phủ nhận cuốn sách mang những giá trị riêng.
Nhìn chung, cuốn sách mong muốn giúp người đọc cải thiện kỹ năng giao tiếp, tạo ra và duy trì các mối quan hệ. Ở phần đầu cuốn sách, tác giả còn đặc biệt viết hướng dẫn đọc cuốn sách sao cho hiệu quả. Có thể thấy tác giả khá tự tin vào những phương pháp của mình và thực sự mong muốn người đọc cải thiện được vấn đề thông qua cuốn sách.
Như đã nói phía trên, những nguyên tắc trong cuốn sách đa phần đều khá cơ bản và đơn giản, có thể đã được thấy trong sự dạy bảo của cha mẹ, thầy cô, các tiết học đạo đức, giáo dục công dân. Do vậy nó như một tuyển tập cho những nguyên tắc giao tiếp và đạo đức cơ bản. Cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề trong giao tiếp hàng ngày với cha mẹ, đồng nghiệp,… để người đọc thấy gần gũi và dễ áp dụng.
Với những người đi tìm đáp án cho những vấn đề của bản thân nếu chưa biết cuốn nào hay hơn hoặc cần những giải pháp tức thời thì “Đắc nhân tâm” có thể là sự lựa chọn đáp ứng được mong muốn của họ.
5 năm trước, tôi có thể thấy mình như được “khai sáng” sau khi đọc “Đắc nhân tâm”, nhưng đến nay, khi đọc lại tôi lại có nhiều nghi vấn và bất tán thành hơn với nó. Ta không nói đến cuốn sách đúng hay sai, vì nó sẽ phù hợp với một người ở giai đoạn này nhưng không còn phù hợp với họ ở giai đoạn khác nữa.
Nói qua thì cũng phải nói lại, cuốn sách được viết năm 1936, có thể trong thời gian đó thông tin nghiên cứu về các môn khoa học liên quan vẫn chưa dồi dào và dễ dàng tiếp cận như hiện nay. Mặt khác, mục đích ban đầu của tác giả không phải là viết sách nên có thể đã không dành nhiều thời gian nghiên cứu từ khi bắt đầu.
Tuy nhiên, với những lỗ hổng về lý luận thì “Đắc nhân tâm” sẽ là con dao cùn dần khi kiến thức và tư duy phản biện của người đọc tăng lên.
Mua sách Dám bị ghét giảm 22% ở đây dù bạn là fan của “Đắc nhân tâm” hay không
Đọc thêm: