Trang chủTin tứcCó thể bạn chưa biết?Tại sao đọc sách Self-help mãi không hiệu quả?

Tại sao đọc sách Self-help mãi không hiệu quả?

Đọc sách Self-help hay còn gọi là sách Tự lực những năm gần đây đang trở thành cơn sốt. Mỗi năm có hàng ngàn cuốn sách Self-help về các đề tài khác nhau được xuất bản và tiêu thụ. Đồng thời, tình trạng này cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về sách Self-help thực sự có ích hay chỉ là chiêu trò của các truyền thông để gia tăng lợi nhuận. Tranh luận về hiệu quả của sách Self-help luôn được đưa ra bàn luận nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời cuối cùng. Bài viết dưới đây là một góc quan điểm về sách Self-help và đề xuất cách đọc hiệu quả dòng sách này.

Sách Self-help theo định nghĩ của Wikipedia là dòng sách hướng dẫn người đọc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những chia sẻ, lời khuyên, câu chuyện. Với định nghĩa này thì sách Self-help chắc chắn mang lại lợi ích thiết thực cho người đọc. Tuy nhiên, trong thị trường sách đang bị bão hòa bởi những tác phẩm kém chất lượng, chạy theo số lượng, xào nấu những thông điệp cũ, thì người đọc cần có cái nhìn cẩn trọng hơn về thể loại sách này.

1. Những hiểu lầm về việc đọc sách Self-help

Sách Self-help là sách dạy làm giàu, đối nhân xử thế

Thực tế đây là suy nghĩ phổ biến của nhiều người. Vì danh tiếng quá lớn của những sách Self-help bán chạy trên thị trường như Đắc nhân tâm, Cha giàu cha nghèo, Nghĩ giàu làm giàu, Tôi tài giỏi bạn cũng thế,… mà nhiều người cho rằng sách Tự lực chỉ xoay quanh chủ đề làm giàu và cách ứng xử.

Tuy nhiên, có nhiều phân loại trong dòng sách Self-help:

  • Step-by-step book: sách hướng dẫn các bước từ A-Z
  • Progression book: sách phát triển các kỹ năng mềm (giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý tài chính,…)
  • Component-based book: sách hướng dẫn cách đối mặt với những vấn đề khó khăn, phức tạp trong cuộc sống. Ví dụ: sách hướng dẫn nuôi dạy con thành công.
  • Recovery book: sách giúp người đọc hồi phục về mặt thể chất và tinh thần.
  • Exercise book: sách hướng dẫn người đọc đi đến kết quả cuối cùng theo một quy trình hoặc bộ kỹ năng cần thiết

    đọc sách Self-help
    Sách Self-help đa dạng thể loại. Ảnh: Internet

Những người có suy nghĩ trên thường cho rằng sách Self-help chỉ dạy người ta theo đuổi những thứ bên ngoài, cách biểu hiện sao cho hợp lòng người chứ không thay đổi được “tâm”, “tính” của người đọc. Nhưng với sự đa dạng của sách Self-help, những cuốn sách khuyên nhủ và hướng dẫn con người cách trở nên tư bi, bao dung, lạc quan, biết yêu thương,… như các tác phẩm của Nhà sư Thích Nhất Hạnh, Nhà sư Minh Niệm hay sách của Osho cũng được xếp vào thể loại Tự lực.

Quá tin vào sách Self-help

Không chỉ sách Self-help, mà rất nhiều bạn đọc cũng hoàn toàn tin tưởng vào nội dung trong sách. Xét cho cùng thì sách cũng chỉ nêu lên ý kiến, quan điểm cá nhân của người viết về một vấn đề, ý kiến đó có thể đúng trong trường hợp này nhưng không phù hợp ở tình huống khác. Trong Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang đã viết: “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”.

Nếu ta chỉ ngấu nghiến một cuốn sách vì cảm giác hừng hực khí thế, nhiệt huyết lúc bấy giờ thì thông điệp của nó cũng sẽ nhanh tàn phai vào những cám dỗ xung quanh. Nhưng nếu ta nghiền ngẫm, luôn đặt nghi vấn về những quan điểm, thông điệp trong cuốn sách thì bài học rút ra sẽ trở thành một phần của bản thân.

đọc sách Self-help
Không nên tin sách Self-help hoàn toàn. Ảnh: Internet

Chỉ đọc nhưng không hành động

Nhiều người đọc coi sách là một liều thuốc giảm đau. Họ thích cảm giác nâng nâng đầy hứng khởi, khí thế như sắp chạm đến thành công mà một số cuốn sách Self-help mang lại. Nhưng cảm giác này không ở lại lâu mà nhanh chóng biến mất khiến cho họ lại muốn tìm lại bằng việc đọc những cuốn sách khác. Do đó, thay vì bắt tay vào làm họ đắm chìm trong những cảm xúc ảo đang cổ vũ họ. 

Người đọc thường bị thu hút bởi những bài review “trên trời”, những dòng tít giật gân, những lời giới thiệu hoành tráng như “ông tổ sách Self-help”, “cuốn sách dẫn đến thành công”,… Nhưng có một điều đáng buồn là ít ai trong số họ thực sự bắt tay vào công việc, hành động.

Trong cuốn sách Đắc nhân tâm, Dale Carnegie đã khẳng định: “Những con chữ này chỉ đơn giản là vài dòng gõ máy nếu các bạn không ứng dụng nó vào cuộc sống thật. Tôi chỉ có thể giúp bạn đến mức truyền đạt một cách dễ  hiểu và thấu đáo những trải nghiệm của bản thân tôi, phần còn lại, ứng dụng hay không ứng dụng là phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn”.

2. Đọc sách Self-help sao cho hiệu quả?

Chọn sách phù hợp

Việc chọn sách rất quan trọng vì hiện nay ngày càng có nhiều sách kém chất lượng được xuất bản, nội dung hời hợt, “xào nấu” lại những điều đã biết trong văn hóa đại chúng. Nếu chọn mua phải những cuốn sách như vậy, bạn đọc sẽ tốn thời gian, tiền bạc mà không nhận được câu trả lời thích hợp cho vấn đề của mình.

Thay vì hoàn toàn tin tưởng vào những bài báo, đánh giá trên mạng, hãy trực tiếp đánh giá sơ bộ cuốn sách bằng cách đọc bìa, lời giới thiệu, xem phụ lục và đọc lướt một số chương để xem sách có giải quyết, bản luận chủ đề mà bạn đang tìm hiểu không, sách có đưa ra những đề xuất hành động thực tế hay chỉ là những lời khuyên sáo rỗng. 

đọc sách Self-help
Chọn sách phù hợp với bản thân. Ảnh: Internet

Luôn giữ tâm thế hoài nghi khi đọc

Như đã nêu ở bên trên, sách chỉ là những quan điểm cá nhân của tác giả nên ta không nên đặt niềm tin hoàn toàn. Người đọc nên đặt dấu hỏi cho mỗi lời khuyên được nêu, cho những nghiên cứu khoa học được trích dẫn xem nó đã đủ tính bao quát, logic, phù hợp với hoàn cảnh bản thân không. 

Nguy hiểm hơn, rất nhiều tác phẩm lợi dụng vỏ bọc Self-help để truyền bá tư tưởng độc hại của tác giả. Chúng khoác lên mình lớp vỏ sách truyền cảm hứng, dạy kỹ năng ban đầu rồi cài cắm những tư tưởng cực đoan như về tôn giáo, phân biệt chủng tộc, giới tính,… khiến đọc giả không đề phòng và dễ rơi vào cạm bẫy của những ý đồ xấu.

Hành động và không áp dụng máy móc

Đọc sách Self-help để giải đáp những thắc mắc, tìm hướng giải quyết những vấn đề không phải để giải trí, đọc xong đề đó. Vì vậy, người đọc nên chuẩn bị sẵn một tinh thần sẵn sàng tiếp thu và sẵn sàng hành động. Sách Self-help chỉ dùng lại ở việc định hướng, hướng dẫn, truyền cảm hứng cho người đọc, còn sự thành công chỉ đến khi người đọc chuyển hóa những kiến thức đó thành hành động và nỗ lực bản thân.

Chìa khóa thành công không nằm ở những cuốn sách Self-help mà ở chính bản thân bạn đọc. Bạn có dám làm, có dám thất bại rồi dám đứng lên lần nữa không? Đó là những điều sẽ viết lên cuốn sách Tự lực xuất sắc nhất cho bản thân bạn.

đọc sách Self-help
Đọc sách đi đôi với hành động. Ảnh: Internet

Ở một khía cạnh khác, việc hành động phải đi đôi với chọn lọc, biến đổi sao cho phù hợp. Những lời khuyên trong sách Self-help có thể đúng với hoàn cảnh của tác giả, bối cảnh xã hội thời điểm nó được xuất bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh, thời đại khác nó có thể không còn phù hợp. Vì vậy, luôn soi chiếu quan điểm, lời khuyên của tác giả với hoàn cảnh thực tế của mình và tìm ra bài học hiệu quả nhất thay vì chỉ nhắm mắt nghe theo hướng dẫn của cuốn sách. 

Đọc thêm:

Sách Self-help là gì? Liều thuốc tinh thần hay con dao hai lưỡi

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI