Trang chủReviewsReview sáchReview Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều - Bạn không cô...

Review Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều – Bạn không cô đơn trên hành trình trưởng thành

Gen Z – thế hệ lo âu. Gen Z chỉ những bạn sinh năm 1996 – 2012, thế hệ đầu tiên được tiếp cận công nghệ từ khi sinh ra và lớn lên. Sinh ra trong thời kỳ phát triển kinh tế, khoa học thuận lợi, các bạn trẻ gen Z mang nhiều gánh nặng trên vai với áp lực khẳng định bản thân, áp lực đồng trang lứa, áp lực từ kỳ vọng của gia đình và xã hội,… Với rất nhiều “tab mở trong đầu”, gen Z quay cuồng với những suy nghĩ về mạng xã hội, gánh nặng công việc, bất an về tương lai, các mối quan hệ tổn thương,… khiến họ càng dễ trở nên lạc lõng và kiệt quệ.

Không bất ngờ khi họ trở nên rất dễ tổn thương trước các vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm, nhiều hơn gấp 2.5 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Gen Z là thế hệ bùng nổ lo âu: 50% vấn đề sức khỏe tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. ⅙ người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu.

Review hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều
Gen Z – Thế hệ lo âu. Ảnh: Internet

Thế nhưng khi nói lên những vấn đề tâm lý của mình, gen Z lại ít nhận được sự đồng cảm. Được sinh ra trong điều kiện ổn định và phát triển, được cha mẹ chăm sóc và đầu tư hết sức gen Z “không nên thấy bất ổn” so với các thế hệ trước phải sống trong đói nghèo và bom đạn.

Sẻ chia với những trăn trở thế hệ ấy, cô tác giả gen Z – Nguyễn Đoàn Minh Thư viết tác phẩm Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều. Đó là thế giới nội tâm phức tạp, những áp lực thường trực, những suy nghĩ ngổn ngang của người trẻ dưới góc nhìn tâm lý học căn bản. Qua đó, bạn trẻ sẽ nhận được sự đồng cảm, an ủi cho những khó khăn đang trải qua và cảm thấy không đơn độc trên hành trình trường thành.

Đôi nét về tác giả

Tác giả trẻ Nguyễn Đoàn Minh Thư là cử nhân ngành Tâm lý học tại Anh, cô là chủ nhân của kênh podcast Amateur Psychology. Coi mình là Tay mơ học đời bằng Tâm lý học, cô chia sẻ trên kênh những quan sát, trải nghiệm của bản thân về những vấn đề trong cuộc sống được các bạn trẻ quan tâm dưới góc nhìn tâm lý như sự cô đơn, chấp nhận bản thân, các xung đột với cha mẹ, sự đổ vỡ trong tình yêu,…

Nội dung cuốn sách chủ yếu được lấy từ những chủ đề được bàn luận trên kênh podcast của tác giả. Cuốn sách ghi nhận và giải thích những trăn trở, âu lo hết sức đời thường của người trẻ dưới góc nhìn tâm lý học cơ bản. Vì vậy, nó chạm đến trái tim của nhiều độc giả trẻ vì tạo được cảm giác cảm thông chia sẻ với những âu lo đang dày vò họ. 

Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều
Tác giả Nguyễn Đoàn Minh Thư. Ảnh: Internet

Ở một tuổi đời rất trẻ, Minh Thư đã có sự dày công quan sát, trải nghiệm bản thân và cuộc sống xung quanh, soi chiếu dưới kiến thức chuyên môn đã học được để tạo ra một tác phẩm giúp an ủi cả một thế hệ. Cô gái trẻ đầy tiềm năng này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa trong tương lai.

Nội dung Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều

Đây là những lời tự giới thiệu của Minh Thư về cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều: “Không phải để kể lể chuyện khổ, mà là kể về hành trình của một người trẻ đang chật vật tìm kiếm mình trong thế giới”.

Nội dung cuốn sách gồm 4 phần: 

Phần 1 – Cái tôi không hoàn hảo: nói về sự cô độc, sự chấp nhận bản thân, những tự ti mặc cảm và cả lòng đố kỵ, so sánh với mọi người xung quanh.

Phần 2 – Tôi là tạo phẩm của cha mẹ: phần này nói về mối liên kết, xung đột, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, đồng thời cho thấy sự ảnh hưởng âm thầm, vô thức của những tổn thương tuổi thơ đến suốt cuộc đời.

Phần 3 – Họ không ngừng nói về tình yêu: nói về những vấn đề muôn thuở khi rơi vào tình yêu, bị từ chối, phản bội, đến những vấn đề rất cập nhật như hẹn hò online, nỗi sự gần gũi.

Phần 4 – Ugh … Giao tiếp xã hội: đề cập đến những vấn đề rất nóng với bạn trẻ như sự hòa nhập, hạ bệ lẫn nhau, áp lực đồng trang lứa, mạng xã hội, nỗi cô đơn.

Bạn không phải kẻ lập dị

“Có phải khi con người cảm thấy cô độc, họ không nghĩ rằng trên đời có những kẻ giống họ?” Đó là câu hỏi bắt đầu cho phần “Cái tôi không hoàn hảo”. Chắc hẳn nhiều bạn đã từng thấy mình không thuộc về môi trường hiện tại, không bắt kịp những câu chuyện của nhóm bạn, thấy mình lạc lõng trong một tập thể. Lúc ấy, bạn có nghĩ bản thân mình không giống ai, là một kẻ lập dị?

Thế giới hiện đại cho chúng ta một đặc quyền là sự kết nối dễ dàng. Sự nảy nở của những mối quan hệ mới, một tình bạn được duy trì, cuộc sống của người thân được cập nhật chỉ qua một cú click chuột, một dòng tin nhắn. Nhưng với việc liên lạc dễ dàng lại khiến “việc không giỏi kết nối càng biến thành một sự hổ thẹn với những người thích được ở một mình”.

Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều.

Một xã hội coi trọng những tính cách đặc trưng của người hướng ngoại, dễ khiến những người hướng nội cảm thấy mình là “kẻ ngoài lề”. Chấp nhận bản thân là một người cô độc không hề dễ nhưng “sự cô độc chỉ tiêu cực khi bạn coi thường nó, khước từ nó và ép bản thân trốn chạy khỏi nó”. 

Theo các nghiên cứu mà tác giả chỉ ra thì việc thoải mái với cô độc là cơ hội để ta thanh thản, điểm đạm hơn và dành nhiều thời gian để tìm hiểu sự giàu có của tâm hồn. Do đó, không có lý do gì bạn phải ép bản thân trải qua những cảm xúc lo lắng, bồn chồn, khó chịu vì buộc bản thân phải giao lưu rộng rãi để có cảm giác nơi mình thuộc về.

Việc chấp nhận bản thân không phải người quảng giao, không phải một “hình mẫu lý tưởng” nhưng cảm thấy thoải mái với chính mình là cách tốt nhất để bạn xây dựng sự tự tin thầm lặng và đối mặt với thử thách mới theo cách riêng của mình.

Sống thật với bản thân

Tác giả Minh Thư đã đưa ra một góc nhìn rất hay về việc chấp nhận bản thân. Một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến rất nhiều bạn trẻ phải loay hoay. Với tác giả, việc sống thật không chỉ phản chiếu qua việc chấp nhận giới tính, phong cách của bản thân, không giả lả với người chúng ta ghét. Sống thật hơn cả là chấp nhận những mặt tối của bản thân, sự ghen tị, việc tự nhận thức bản thân yếu kém. 

Đôi khi, chúng ta có những suy nghĩ tiêu cực như lòng đố kị, cảm giác muốn trả đũa khi mình phải chịu thiệt hơn. Tuy nhiên, những cảm xúc này chỉ là một phần của suy nghĩ con người. Chúng ta không biến thành người xấu vì có những cảm xúc tồi tệ đó. Thay vì chối bỏ, kìm hãm những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta nên chấp nhận “con quỷ” trong mình, lắng nghe, và học cách kiểm soát nó, cố gắng không biến nó thành hành động hay lời nói cay độc.

Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều
Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều. Ảnh: Internet

Người sống thật với bản thân ít cảm thấy ê chề và tổn thương khi bị khước từ trong giao tiếp xã hội và các mối quan hệ. Vì họ hiểu rõ giá trị bản thân và không bị thôi thúc phải làm hài lòng người khác, họ cũng ít nghi ngờ bản thân là lý do bị từ chối, do đó dễ tự chữa lành hơn.

Mỗi chúng ta đều là những cái tôi không hoàn hảo. “Chúng ta đều chỉ cần là những cái tôi cố gắng chân thật học cách để trở thành những cái tôi đỡ xấu xí hơn mỗi ngày”.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều bài học mình rút ra được từ Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều nếu cảm thấy được đồng cảm, và chia sẻ, hãy tìm mua và đọc thêm cuốn sách tại đây

Mua sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều giảm 28%

Minh Thư đã chạm đến rất nhiều “nỗi đau” của người trẻ trên hành trình trường thành. Việc có thể xuất bản một cuốn sách hấp dẫn, mang tính đại diện cho một thế hệ như vậy đã chứng minh được năng lực, tâm huyết cũng như công sức mà Minh Thư đặt vào trong tác phẩm là rất lớn. Tuy nhiên vì tuổi đời còn trẻ, chưa nhiều trải nghiệm, nên các liên hệ trong sách đa số là câu chuyện của tác giả kèm theo những lý giải sơ bộ bằng tâm lý học. Do đó, không tránh khỏi một số nội dung chưa được đào sâu và các giải pháp đề ra để khắc phục vấn đề vẫn chưa cụ thể. Mong rằng qua trải nghiệm và tích lũy kiến thức, Minh Thư sẽ cho ra mắt nhiều tác phẩm hay và chất lượng khác trong tương lai.

Đọc thêm:

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI