Trang chủTin tứcTầm quan trọng của việc xây dựng quỹ khẩn cấp

Tầm quan trọng của việc xây dựng quỹ khẩn cấp

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, cùng làn sóng sa thải nhân sự đang diễn ra, rất khó để đoạn định được ngày mai ta sẽ ra sao. Do đó, quỹ khẩn cấp là một một sự bảo đảm cho bạn và người thân trước những biến động khó lường của kinh tế, xã hội.

1. Quỹ khẩn cấp là gì? 

Quỹ khẩn cấp (tiếng Anh: Emergency Fund) được hiểu đơn giản là số tiền đã dành cho những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống chẳng hạn như bệnh tật, sửa chữa nhà, mua xe. Quỹ khẩn cấp thường là tiền mặt hoặc tài khoản có tính thanh khoản cao (gửi tiết kiệm).

Xây dựng quỹ cần thiết là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân trước khi bạn bước vào hành trình đầu tư tài chính. Quỹ lớn hay nhỏ tùy vào mục tiêu tài chính của mỗi người, thường sẽ có 3 mức là xây dựng quỹ khẩn cấp 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng dựa trên chi tiêu cơ bản của bản thân.

quỹ khẩn cấp

2. Vì sao cần quỹ khẩn cấp?

Sẵn sàng cho những sự cố

Cuộc sống có nhiều tình huống khó lường. Trong những tình huống đó nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước chúng ta có thể dễ dàng vượt qua hơn. Ví dụ bạn quyết định nghỉ việc hay bị sa thải, nếu có quỹ khẩn cấp bạn vẫn có thể trang trải cho cuộc sống trong một khoảng thời gian trước khi tìm được một công việc mới.

Đặc biệt khi bạn đã có gia đình hoặc có trách nhiệm tài chính với người khác thì việc có một quỹ dự phòng càng trở nên quan trọng hơn. 

Tránh được những khoản nợ

Khi rơi vào tình huống khó khăn cần sử dụng một số tiền lớn thì quỹ dự phòng sẽ giúp bạn tránh khỏi việc phải đi vay nợ. Dù là nợ xấu hay nợ tốt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tài chính của bạn, không chỉ vậy còn có thể gây hại cho sức khỏe, tinh thần, các mối quan hệ,…

Việc vay nợ cũng đặt ra những trở ngại nhất định cho tương lai khi thu nhập của bạn vừa phải trả nợ gốc lẫn lãi suất và chi trả cho các sinh hoạt thường nhật. Khi ấy, việc tích lũy, đầu tư của bạn cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nâng cao trách nhiệm tài chính

Trách nhiệm kinh tế với bản thân và gia đình càng thêm quan trọng trong thời buổi kinh tế có nhiều bất ổn như hiện nay. Quỹ khẩn cấp sẽ là phương án dự phòng cho bạn và gia đình để vượt qua những biến động về kinh tế khó lường ví dụ như trong dịch bệnh covid vừa rồi khi mọi hoạt động sản xuất, giao thương đều đóng băng.

Hầu hết những người lập quỹ khẩn cấp đều có ý thức trong việc chi tiêu và tiết kiệm, phòng tránh nợ xấu. Có một số tiền dự phòng nhất định thể hiện trách nhiệm của bản thân với cuộc sống của chính mình và những người thân yêu.

Mang đến sự an tâm

Quỹ khẩn cấp có thể coi là một chiếc phao dự phòng cho bạn. Khi đi trên một con thuyền dù có gặp sóng to gió lớn đến đâu bạn vẫn có thể yên tâm một phần vì đã có trong tay chiếc phao cứu sinh. 

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang bước sang thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì bạn vẫn có thể tự tin đối mặt với những khó khăn khi đã có sự chuẩn bị tài chính kỹ lưỡng. Do đó, bạn sẽ không phải nơm nớp lo sợ về vật giá gia tăng hay những biến động trong sức khỏe, công việc và cuộc sống. Một tinh thần thoải mái sẽ gián tiếp tăng cường sức khỏe của bạn.

quỹ khẩn cấp

3. Cách thành lập quỹ khẩn cấp

Bước 1: Tính quy mô quỹ khẩn cấp

Trong bước này, bạn cần xác định số tháng cần sử dụng quỹ dự phòng đề chi tiêu nếu xảy ra sự. Con số này sẽ quyết định quy mô của của quỹ khẩn cấp và xác định dựa trên thu nhập của bạn cùng những rủi ro tài chính có thể xảy ra.

Mức độ 1: Tối thiểu 3-4 tháng chi phí sinh hoạt cần thiết. 

Định mức này phù hợp cho người có sức khỏe tài chính mạnh, mức sống thấp, không có nhiều nợ, tình trạng công việc ổn định và không có nhiều yếu tố lệ thuộc tài chính (ví dụ như con cái, thú cưng,…)

Mức độ 2: Tối thiểu 6 tháng chi phí sinh hoạt cần thiết

Định mức này phù hợp cho người có sức khỏe tài chính mạnh nhưng có mức sống cao, công việc có nhiều biến động (ví dụ làm thời vụ, freelancer,…) và có yếu tố lệ thuộc tài chính nhưng không chiếm quá nhiều thu nhập.

Mức độ 3: Tối thiểu 12 tháng chi phí sinh hoạt cần thiết

Định mức này phù hợp với đối tượng có thu nhập cao, mức sống cao, có nhiều đối tượng phụ thuộc tài chính, đã có tuổi và khó thay đổi công việc.

Bước 2: Tính mức chi tiêu trung bình một tháng

Khi tính toán chi phí, hãy chỉ kiểm đếm những thứ bạn vẫn phải trả trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như tiền thuê nhà, tiền mua nhu yếu phẩm và các hóa đơn điện-nước. Các khoản chi tiêu tùy chọn như đi du lịch và ăn tối nên được bỏ ra.

Bước 3: Lập mục tiêu xây dựng quỹ khẩn cấp

Sau khi lấy chi phí hàng tháng nhân với số tháng tối thiểu (đã xác định ở bước 1 và 2) chúng ta sẽ biết được số tiền cần tích lũy cho quỹ khẩn cấp.

Khi đó bạn hãy lập kế hoạch tiết kiệm sao cho hợp lý và đạt được mức quỹ tối thiểu nhanh nhất có thể. Khi đã có ý định lập quỹ khẩn cấp bạn nên quản lý chi tiêu bản thân hợp lý hơn, chú trọng những chi tiêu cần, hạn chế những chi tiêu muốn, bên cạnh đó có ý thức gia tăng thu nhập của mình. Quỹ khẩn cấp càng lớn thì khả năng kiểm soát tài chính của bạn càng mạnh.

Bước 4: Tự động hóa việc tiết kiệm của bạn

Sau khi xác định được mục tiêu ở bước 3, hãy tự động hóa việc tiết kiệm của bạn. Bạn có thể sử dụng app quản lý tài chính hoặc app ngân hàng để tự động trích một phần thu nhập vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng. Việc trích trước một phần thu nhập sẽ đảm bảo lộ trình xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn diễn ra đúng kế hoạch.

Bước 5: Tối ưu quỹ khẩn cấp

Trong thời gian tiết kiệm, nếu có thêm các khoản thu khác, bạn nên cân nhắc gửi chúng vào quỹ khẩn cấp để đạt được mục tiêu hoàn thiện quỹ sớm hơn.

Quỹ khẩn cấp là cần thiết với tất cả mọi người. Có ý thức xây dựng quỹ dự phòng sẽ tạo ra an toàn tài chính cho bạn trước mọi biến động của cuộc sống.

Tham khảo một số cuốn sách hay về chủ đề quản lý tài chính cá nhân:

Đọc thêm:

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

TIN NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI